Khả năng quán tính 'lao dốc' còn tiếp tục tạo áp lực lên tâm lý thị trường

Theo nhận định của công ty chứng khoán, nhiều khả năng quán tính lao dốc còn tiếp tục tạo áp lực lên tâm lý thị trường, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn tại các vùng hỗ trợ...

Chứng khoán ngày 24/10, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng sau phiên tăng điểm trước đó. Điều này khiến thị trường biến động theo chiều hướng giằng co. VN-Index đã có thời điểm tăng điểm nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều giảm xuống dưới mốc tham chiếu do sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu.

Tình hình giao dịch trở nên tồi tệ hơn trong phiên chiều khi hàng loạt nhóm ngành đồng loạt giảm mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng và họ cổ phiếu "Vin". Trong suốt hầu hết thời gian giao dịch, cổ phiếu thuộc họ “Vin” tạo áp lực lớn lên thị trường chung.

Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp VHM giảm mạnh, bất chấp việc công ty đã bắt đầu mua cổ phiếu quỹ từ ngày 23/10. Phần lớn thời gian, các cổ phiếu thuộc nhóm "Vin" gồm VHM, VIC và VRE đều giao dịch trong sắc đỏ và có lực cầu đỡ giá.

Tuy nhiên, trước áp lực bán mạnh vào cuối phiên, cả ba cổ phiếu này đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Cụ thể, VHM giảm 6,7%, VRE giảm 2,7% và VIC giảm 2,66%.

Ngoài ra, thị trường tiếp tục bị kéo giảm mạnh do áp lực lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó STB là cổ phiếu "châm ngòi" cho dòng tiền bán mạnh tại nhóm này. STB kết phiên với mức giảm sâu 6,7%.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như TPB, TCB, VPB, MBB, ACB... cũng không tránh khỏi xu hướng giảm, với mức giảm trên 1%. Trong đó, TPB giảm 3,4%, TCB giảm 2,3%, VPB giảm 2,2%...

Cổ phiếu VHM đã gây tác động tiêu cực nhất lên VN-Index khi lấy đi 3,31 điểm. Tiếp theo là STB và VIC, lần lượt làm mất đi 1,09 điểm và 1,06 điểm của chỉ số. Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã thuộc ngành chứng khoán như FTS, CTS, SHS, HCM, MBS hay VCI đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. FTS giảm tới 3,1%, CTS giảm 2,8%, HCM giảm 2,4%, MBS cũng giảm 2,4%...

Trong khi đó, nhóm bán lẻ cũng chịu áp lực lớn khi các mã như PET, DGW, MWG hay FRT đều chìm trong sắc đỏ. PET giảm sâu 4,6%, DGW tiếp tục giảm 1,4%...

Ngược lại, các cổ phiếu như VNM, VCB, GAS và FPT lại có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ chỉ số. Trong đó, VNM tăng 1,63% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,56 điểm. VCB và KDH lần lượt tăng 0,22% và 1,05%, đóng góp tương ứng 0,27 điểm và 0,08 điểm cho chỉ số.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,49 điểm (-1,06%) xuống còn 1.257,41 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 284 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,81 điểm (-0,8%) xuống mức 224,69 điểm, với 56 mã tăng, 95 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,07%) xuống còn 92,06 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 673 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 15.981 tỷ đồng (tăng 14% so với phiên trước), trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.897 tỷ đồng. Trên sàn HNX và UPCoM, giá trị giao dịch lần lượt đạt 650 tỷ đồng và 355 tỷ đồng.

Khối ngoại đã quay lại bán ròng 230 tỷ đồng trên HoSE, với mã HPG bị bán ròng mạnh nhất ở mức 93 tỷ đồng. VRE cũng chịu áp lực bán ròng 80 tỷ đồng, trong khi STB và DGC lần lượt bị bán ròng 60 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Ngược lại, VPB dẫn đầu về mua ròng với giá trị 89 tỷ đồng. FPT và VNM cũng được khối ngoại mua ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 68 tỷ đồng.

 Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Duy trì tỷ trọng với những cổ phiếu giữ được xu hướng

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Khuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn, tránh tình bán đuổi theo thị trường và giữ tâm lý bình tĩnh, duy trì tỷ trọng danh mục đối với những cổ phiếu giữ được xu hướng vẫn đang dao động sideway với biên độ 5%. Áp lực bán có thể vẫn tiếp diễn theo quán tính nhưng xác suất cao sẽ sớm chững lại và tìm lại được cân bằng quanh khu vực 1.250 điểm.

Vị thế mua đang rủi ro hơn

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Thị trường giảm mạnh và sâu, đi kèm với đó là thanh khoản tăng cao so với phiên đảo chiều tăng điểm hôm qua cho thấy áp lực bán đang hoàn toàn chiếm ưu thế.

Xu hướng thị trường trở nên tiêu cực hơn trong phiên hôm nay và khả năng áp lực bán còn có thể kéo dài trong các phiên tới. Vị thế mua đang rủi ro hơn nên chúng ta cần thận trọng và hạn chế việc mua thêm.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm căn bán, hạ bớt tỷ trọng ở những mã cổ phiếu đang vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro. Với tín hiệu khá xấu, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.230 điểm mới có lực cầu tham gia và áp đảo được lực cung.

Nhiều khả năng quán tính lao dốc còn tiếp tục

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến "Bearish engulfing" và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Mặc dù thanh khoản không có sự gia tăng đột biến, việc chỉ số hình thành nến giảm thân đặc cho thấy dòng tiền thiếu đi sự nâng đỡ ở vùng giá dưới và để phe bán làm chủ trạng thái giao dịch.

Nhiều khả năng quán tính lao dốc còn tiếp tục tạo áp lực lên tâm lý thị trường, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn tại các vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể áp dụng chiến lược mua bán linh hoạt hai chiều, mua tại hỗ trợ hoặc bán tại kháng cự, kết hợp với việc tái cơ cấu và điều chỉnh tỷ trọng nắm giữ về mức cân bằng.

Giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện

Chứng khoán Asean

Thị trường có xu hướng tiếp diễn giảm điểm với các vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.244 điểm, 1.228 điểm trước khi hình thành lực cầu hỗ trợ chỉ số chung.

Do đó, nhà đầu tư nên quản trị danh mục cẩn trọng trong ngắn hạn, theo sát diễn biến tỷ giá và các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để xác định xu hướng điều chỉnh hiện tại có thể diễn ra trong bao lâu.

Chúng tôi duy trì quan điểm đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, chờ đợi giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện và định giá về mức hấp dẫn.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/kha-nang-quan-tinh-lao-doc-con-tiep-tuc-tao-ap-luc-len-tam-ly-thi-truong-post555549.html