Khả năng Ukraine tiếp tục đột kích xuyên biên giới vào Nga
Giới quan sát phương Tây cho rằng trong khi chờ đợi đạn dược, nhân lực và nguồn lực để tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn đúng thời điểm thì Ukraine nên thử nghiệm cách thức để giành thế chủ động cũng như lấy lại đà tiến công.
Ukraine thử nghiệm các cách thức để giành thế chủ động
Ukraine đang đối mặt với việc phòng thủ đầy thách thức trên tiền tuyến trong tương lai gần những điều đó không có nghĩa là nước này không thể tiến hành một vài cuộc tấn công chống lại Nga.
Giới quan sát phương Tây cho rằng trong khi chờ đợi đạn dược, khí tài và nhân lực để tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn đúng thời điểm thì Ukraine nên thử nghiệm các cách thức để giành thế chủ động cũng như lấy lại đà tiến công.
Các chuyên gia về xung đột thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington theo dõi sát sao cuộc xung đột đã viết trong một báo cáo mới rằng Ukraine nên tập trung vào việc tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào Nga trong khi tình hình tiền tuyến chủ yếu không có gì thay đổi.
"Ukraine đối mặt với những thách thức to lớn hiện nay cũng như trong những tháng sắp tới. Các lực lượng của Ukraine không thể tiến hành các chiến dịch phản công đáng kể vào năm 2024 và 2025", chuyên gia Frederick Kagan thuộc AEI và chuyên gia Kimberly Kagan thuộc ISW cho hay.
"Khả năng của họ để thực hiện điều đó vẫn phụ thuộc vào việc tăng cường cung cấp sự hỗ trợ an ninh lâu dài từ phương Tây, cũng như việc dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí và khả năng của Kiev trong việc duy trì một hệ thống huy động lực lượng cũng như đào tạo tốt hơn", chuyên gia Kagans viết. Thực tế đó không có nghĩa là các lực lượng của Ukraine nên "lên kế hoạch duy trì phòng thủ cho tương lai trong khi cố gắng tập hợp các nguồn lực cần thiết cho cuộc phản công".
Thay vào đó, Ukraine nên sử dụng quãng thời gian này như một "khoảng thời gian thử nghiệm", các chuyên gia nói, giải thích rằng, việc làm vậy sẽ khiến Ukraine tăng cường thách thức các lực lượng của Nga đang giành thế chủ động tại một số khu vực trên tiền tuyến, trong khi khai thác các cơ hội cho tương lai với những chiến dịch phản công đáng kể hơn khi điều kiện cho phép".
Một chiến lược như vậy không phải mới với Ukraine khi nước này đã nhiều lần tìm cách giáng đòn bất ngờ lên các lực lượng của Nga bất chấp các cuộc giao tranh mặt đất diễn ra ác liệt.
Trong số những hành động này, bao gồm cuộc phản công ở Kharkov, các cuộc tấn công UAV tầm xa vào Nga và các chiến dịch tấn công bằng xuồng không người lái ở Biển Đen thì có lẽ cuộc đột kích xuyên biên giới vào Kursk là chiến dịch đáng chú ý nhất bởi đây là cuộc tấn công cơ giới phức tạp đến khó tin vào lãnh thổ của đối thủ.
Hiện vẫn chưa rõ mục tiêu của Ukraine trong cuộc tấn công này mặc dù những bình luận gần đây từ các quan chức Ukraine cho thấy Kiev hy vọng sẽ chiếm vùng lãnh thổ này như một quân bài mặc cả để đổi lấy các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine.
Cuộc đột kích khiến Nga rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”?
Mặc dù chi tiết về cuộc tấn công của Ukraine vẫn hạn chế nhưng, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi nói với ông Zelensky ngày 12/8 rằng quân đội Ukraine đã chiếm được gần 1.000km vuông lãnh thổ, bằng quy mô các vùng lãnh thổ Nga chiếm được ở Ukraine năm nay.
Kiev đã giữ bí mật về cuộc tấn công này ngay cả với các đối tác thân cận như Mỹ. Điều đó cho thấy nước này có thể tiến hành các cuộc đột kích bất ngờ, cho phép Kiev, ít nhất là tạm thời giành thế chủ động trên chiến trường.
Ukraine đã từng gặp khó khăn với tình trạng rò rỉ thông tin và đổ lỗi một số thất bại của cuộc phản công mùa hè năm 2023 cho vấn đề này, cũng như việc trinh sát và giám sát chiến trường diễn ra liên tục khiến quá trình điều động trở nên khó khăn. Nhưng trên chiến trường không phải lúc nào mọi thứ cũng rõ ràng và vẫn có thể xảy ra những bất ngờ. Thế chủ động có thể được giành lại.
Chuyên gia Kagans lập luận rằng, Ukraine không thể "cam chịu với thực tế chiến trường" bởi điều đó sẽ không giúp họ kiểm soát các vùng lãnh thổ quan trọng mà họ phải giành lại để đảm bảo an toàn trước cuộc tấn công của Nga trong tương lai.
"Nó cũng sẽ kéo dài cuộc xung đột và làm tăng đáng kể chi phí cho Ukraine cũng như đồng minh. Do đó, Kiev nên tìm mọi cách có thể để khôi phục khả năng điều động binh lính cho cuộc xung đột này càng sớm càng tốt, mặc dù nhiệm vụ đó có vẻ khó khăn".
Cuộc đột kích vào Kursk đã khiến Điện Kremlin bất ngờ hoặc vì họ không phát hiện ra hoặc là phản ứng không thỏa đáng ngay từ đầu. Giới quan sát cho rằng, điều này một lần nữa khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin rơi vào tình thế bấp bênh, làm dấy lên câu hỏi về cách ông có thể chứng minh với người dân rằng Nga có thể bảo vệ biên giới và duy trì nỗ lực chiến dịch quân sự tốn kém mà không khiến xung đột leo thang thêm nữa.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định ngày 13/8 rằng, cuộc đột kích quân sự của Ukraine vào Nga đã "tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự" cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Washington không liên quan đến chiến dịch này.
"Chúng tôi không liên quan gì đến chuyện này. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Ukraine về hướng tiếp cận của họ nhưng việc chia sẻ là tùy thuộc vào họ", bà Karine Jean-Pierre nói.