Khác biệt Crimea, NATO và đàm phán Nga-Ukraine
Tiến trình đàm phán Nga-Ukraine đang đối mặt nhiều áp lực và khác biệt không dễ thỏa hiệp, có thể cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm thống nhất thỏa thuận hòa bình.
Tiến trình đàm phán Nga-Ukraine do Mỹ làm trung gian nhằm thống nhất một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine đang chứng kiến nhiều tín hiệu thiếu lạc quan. Mỹ ngày càng thể hiện sự sốt ruột, đặc biệt với Ukraine. Tuy nhiên, viễn cảnh Ukraine và Nga thống nhất được thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng khi sự khác biệt giữa các bên về các nội dung đàm phán ngày càng sâu sắc.
Mỹ đang dần mất kiên nhẫn?
Những ngày qua chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập công kích Ukraine, cáo buộc chính Kiev là bên đang cản trở tiến trình hòa đàm. Động thái này cho thấy sự mất kiên nhẫn từ phía Mỹ khi Tổng thống Trump từng nói ông hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt một thỏa thuận hòa bình trong tuần này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: Saul Loeb/AFP/GETTY IMAGES
Ngày 23-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng sự kiên nhẫn của Tổng thống Trump đối với Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky "đang cạn dần". “Tổng thống đang thất vọng, sự kiên nhẫn của ông ấy đang cạn dần. Ông ấy muốn làm điều đúng đắn cho thế giới. Ông ấy muốn thấy hòa bình. Ông ấy muốn thấy cảnh giết chóc chấm dứt, nhưng bạn cần cả hai bên của cuộc chiến sẵn sàng làm điều đó, và thật không may, Tổng thống Zelensky dường như đang đi sai hướng” - bà Leavitt cho hay.
Cũng trong ngày 23-4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo rằng Nga và Ukraine cần phải đạt được một thỏa thuận hòa bình hoặc Mỹ sẽ chấm dứt nỗ lực trung gian trong tiến trình này. Ông Vance nói rằng chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một “đề xuất rất rõ ràng” cho các bên chính trong cuộc xung đột Ukraine.
“Đã đến lúc họ phải đồng ý hoặc Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình này” - ông Vance nói, nhấn mạnh rằng bây giờ Nga và Ukraine cần thực hiện "những bước cuối cùng" để hướng tới hòa bình.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh rằng không thể có giải pháp quân sự cho xung đột hiện nay. “Chúng ta phải thẳng thắn. Nga sẽ không thể nghiền nát Ukraine và chiếm toàn bộ đất nước. Nhưng Ukraine cũng không thể đẩy lùi hoàn toàn quân Nga về vị trí trước năm 2014. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi. Chúng tôi không khơi mào cuộc chiến này. Chúng tôi đang cố gắng giúp hai bên chấm dứt nó” - vị ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đồng thời hy vọng có thể “thu hẹp khoảng cách giữa hai bên tham chiến”.
Ông Rubio cho biết ông hy vọng một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể sớm đạt được nhưng hoài nghi thỏa thuận sẽ có trong vòng một tuần.
Thái độ bất mãn từ chính quyền Trump đến trong bối cảnh cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa Mỹ, Anh, Pháp và Ukraine tại London (Anh) ngày 23-4 bị hoãn vì Ngoại trưởng Rubio hủy chuyến đi tới London. Bộ Ngoại giao Anh xác nhận với hãng tin AFP rằng cuộc họp cấp bộ trưởng đã bị hoãn vô thời hạn, cho biết các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên vẫn sẽ tiếp tục nhưng sẽ diễn ra kín.
Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng Mỹ đang tìm cách đảm bảo một thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine trong vòng 100 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump. Ngày 29-4 tới sẽ đánh dấu 100 ngày kể từ khi ông Trump nhậm chức.
"Hiện tại có rất nhiều yếu tố đang thay đổi, nhưng có một điều rõ ràng là Mỹ đang thúc đẩy thỏa thuận đó trong vòng 100 ngày" - quan chức này cho biết.
Khác biệt quá lớn
Có thể thấy trong những ngày qua chính quyền Tổng thống Trump liên tục cảnh báo sẽ rút khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu không thấy những bước đi mới từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên để đàm phán Nga-Ukraine tiến triển là điều không hề dễ dàng nếu tính đến thực tế yêu cầu từ các bên hiện tại.
Mỹ ngày càng kiên định trong nỗ lực buộc Ukraine phải ký kết thỏa thuận, nhưng Kiev vẫn kiên quyết rằng họ sẽ không từ bỏ Crimea (mà Nga sáp nhập từ năm 2014) hoặc bốn tỉnh phía đông Ukraine (Moscow sáp nhập vào năm 2022).

Cầu Crimea. Ảnh: GETTY IMAGES
Các cuộc thảo luận chủ đề chủ quyền đối với Crimea nổ ra sau khi truyền thông đưa tin Mỹ đã chuyển tới Ukraine một đề xuất mà Tổng thống Trump gọi là “lời đề nghị cuối cùng” nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Theo kế hoạch được đề xuất, Mỹ sẵn sàng công nhận về mặt pháp lý việc bán đảo Crimea thuộc Nga, đồng thời thừa nhận trên thực tế sự kiểm soát của Moscow đối với các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia của Ukraine mà Nga đã sáp nhập.
Ngày 23-4, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky vì ông tuyên bố Ukraine sẽ không công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với bán đảo Crimea, gọi đây là phát ngôn “gây tổn hại nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga”, theo đài CNN.
“Những tuyên bố gây kích động như của ông Zelensky khiến cho việc giải quyết cuộc chiến này trở nên khó khăn đến vậy. Ông ấy chẳng có gì để khoe khoang! Tình hình của Ukraine thật tồi tệ. Ông ấy có thể có hòa bình hoặc có thể chiến đấu thêm ba năm nữa trước khi mất cả đất nước” - ông Trump nói.
Tổng thống Trump nói rằng vấn đề bán đảo Crimea “thậm chí không phải là một điểm để thảo luận”. Theo ông Trump, Ukraine đã để mất Crimea từ nhiều năm trước, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
“Không ai yêu cầu ông Zelensky công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga nhưng nếu ông ta muốn Crimea, tại sao họ không chiến đấu vì nó cách đây mười một năm khi nó được trao cho Nga mà không cần một phát súng nào?” - ông Trump nêu quan điểm.
Phần Ukraine, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội X hôm 23-4, được coi là phản ứng gián tiếp trước lời chỉ trích của ông Trump, ông Zelensky tuyên bố Kiev sẽ "luôn hành động theo hiến pháp của mình và chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng các đối tác của chúng tôi - đặc biệt là Mỹ - sẽ hành động phù hợp với các quyết định mạnh mẽ của mình".
Đính kèm bài viết, ông Zelensky đã chia sẻ ảnh chụp màn hình Tuyên bố Crimea năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có nội dung Mỹ không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trước đó, vào ngày 22-4, ông Zelensky đã nói rõ rằng ông sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng Kiev sẽ không chấp nhận một thỏa thuận công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea. "Ukraine sẽ không công nhận hợp pháp việc chiếm đóng Crimea. Không có gì để nói cả. Điều đó vi phạm hiến pháp của chúng tôi" - ông Zelensky nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Ukraine - bà Yuliia Svyrydenko ngày 23-4 khẳng định Kiev sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nhưng sẽ không đầu hàng, theo hãng tin Reuters.
Theo bà Svyrydenko, bước đi đầu tiên cho bất kỳ tiến trình hòa bình nào là một lệnh ngừng bắn toàn diện, bao gồm trên bộ, trên không và trên biển. Tuy nhiên, nếu phía Nga chỉ dừng lại ở một lệnh ngừng bắn hạn chế, Ukraine cũng sẽ có phản ứng tương xứng.
Ông Andriy Yermak - người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine - cũng đã nhắc lại lập trường của Kiev rằng một lệnh ngừng bắn “ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện nên là bước đầu tiên hướng tới việc bắt đầu các cuộc đàm phán để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài", theo tờ Kyiv Independent.
Về phía Nga, trao đổi với tờ Le Point (Pháp) ngày 23-4, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng chiến sự ở Ukraine sẽ “chấm dứt ngay lập tức” nếu Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng ý rút khỏi các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập.
Ông Peskov nêu rõ các yêu cầu của Moscow để đạt được một lệnh ngừng bắn, bao gồm: công nhận đầy đủ tuyên bố chủ quyền của Nga đối với bốn tỉnh Ukraine mà Nga đã sáp nhập là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia; cam kết trung lập vĩnh viễn của Ukraine; chấm dứt toàn bộ viện trợ quân sự từ phương Tây.
Trong khi phía Mỹ đang dần đổ lỗi Ukraine vì cản trở tiến trình hòa đàm thì Washington có quan điểm tích cực hơn với Nga. “Tôi nghĩ chúng tôi đã có thỏa thuận với Nga. Chúng tôi phải đạt được thỏa thuận với ông Zelensky” - ông Trump nói, rằng ông ngạc nhiên về mức độ khó khăn khi chốt thỏa thuận với nhà lãnh đạo Ukraine.
Ngoại trưởng Rubio cũng cho biết Washington đã hiểu rõ hơn về lập trường của Nga trong xung đột Ukraine, khi bắt đầu nối lại tiếp xúc với Moscow sau 3 năm gián đoạn ngoại giao, tờ The Free Press đưa tin. Trong diễn biến mới, ông Steve Witkoff - đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông - dự kiến sẽ gặp Tổng thống Putin tại Nga vào hôm nay (ngày 25-4).
Ông Trump có thể gặp ông Putin sau chuyến công du Trung Đông?
Ngày 23-4, Tổng thống Trump nói rằng ông có thể gặp Tổng thống Putin ngay sau chuyến thăm Trung Đông vào tháng 5, theo CNN.
Khi được hỏi liệu một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra ở Saudi Arabia hay không, Tổng thống Trump trả lời: "Có thể, nhưng nhiều khả năng là không. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ gặp ông ấy ngay sau đó".
Nhà Trắng đã thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ đến Trung Đông từ ngày 13 đến ngày 16-5 để thăm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Nguồn PLO: https://plo.vn/khac-biet-crimea-nato-va-dam-phan-nga-ukraine-post846201.html