Kiev lo sợ 'kịch bản tồi tệ nhất' khi Mỹ chuẩn bị rút viện trợ
Giới lãnh đạo Ukraine đang chuẩn bị tinh thần cho một 'kịch bản tồi tệ nhất' nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt toàn bộ hỗ trợ dành cho Kiev – theo tiết lộ từ tờ Bild của Đức.

Một hộp đạn do Mỹ cung cấp tại Dnepropetrovsk, Ukraine ngày 9/10/2024. Ảnh: Getty.
Ông Trump được cho là đang gia tăng áp lực buộc Ukraine nhanh chóng chấp nhận "đề xuất cuối cùng" từ Washington nhằm giải quyết xung đột. Ông cũng cảnh báo rằng nếu đàm phán giữa Kiev và Moscow bị đình trệ, Mỹ có thể "rút lui" khỏi vai trò trung gian hòa giải.
“Một số điều được thể hiện trên văn bản và những tín hiệu mà chúng tôi nhận được trong đàm phán là không thể chấp nhận được”, tờ Bild dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine nói hôm 24/4.
“Mọi người đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất…và điều đó có nghĩa là chấm dứt hỗ trợ từ phía Mỹ”, một quan chức khác cho biết.
Ông Trump hiện đang thúc đẩy việc chấm dứt chiến sự, đồng thời theo đuổi một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Ukraine nhằm bù đắp hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính mà Mỹ đã đổ vào Kiev. Trước đó, ông đã tạm thời ngưng việc cung cấp vũ khí và chia sẻ tình báo sau một cuộc tranh cãi công khai với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào tháng 2.
Hôm thứ Tư, ông Trump nhắc lại rằng ông Zelensky – người mà ông từng mô tả là “một nhà độc tài không cần bầu cử” – “khó làm việc hơn” cả Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhận xét này được đưa ra sau khi ông Zelensky công khai bác bỏ một điều khoản then chốt trong khuôn khổ hòa bình mà Mỹ đề xuất, khẳng định rằng Ukraine sẽ không bao giờ bàn đến việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.
Theo Bild, một số quan chức Ukraine vẫn hy vọng những lời công kích cá nhân của ông Trump chỉ là chiến thuật mặc cả. “Chúng tôi từng hy vọng đó chỉ là chiêu bài đàm phán của Trump”, một nguồn tin chính phủ chia sẻ với tờ báo. Dù vậy, Kiev hiện đang cố gắng tái đàm phán với Washington đồng thời tìm kiếm thêm hỗ trợ từ các đối tác châu Âu.
Ông Zelensky xác nhận hôm đầu tuần này rằng Ukraine vẫn đang tiếp nhận vũ khí từ các gói viện trợ do chính quyền Mỹ tiền nhiệm cam kết, nhưng chưa có gói viện trợ mới nào được duyệt kể từ khi Trump nhậm chức. Những lời kêu gọi gần đây của ông về việc bổ sung các hệ thống phòng không Patriot và tên lửa cũng chưa nhận được hồi đáp.
Trong khi đó, Moscow cho biết họ sẵn sàng đối thoại hòa bình nếu các yêu cầu an ninh cốt lõi của họ được tôn trọng. Nga phản đối hoàn toàn sự hiện diện của NATO tại Ukraine, yêu cầu Kiev công nhận các đường biên giới mới của Nga và từ bỏ tham vọng gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Điện Kremlin nhiều lần lên án việc phương Tây tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine là hành động phá hoại cơ hội hòa bình lâu dài.
Chính phủ Nga cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận một lệnh ngừng bắn tạm thời – điều mà họ cho rằng chỉ khiến chiến sự bùng phát trở lại, đặc biệt khi Ukraine đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh và thỏa thuận ngừng tấn công vào hạ tầng năng lượng do Mỹ làm trung gian trước đó.