Sự kiên nhẫn của ông Trump 'đến giới hạn', Nga - Ukraine có nhượng bộ?

5 ngày trước khi bước sang ngày thứ 100 trong nhiệm kỳ và đã được 93 ngày kể từ thời hạn do chính Tổng thống Trump đặt ra để giải quyết xung đột ở Ukraine, nhà lãnh đạo Mỹ đang tỏ ra thất vọng vì nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.

Sự kiên nhẫn của ông Trump bị thách thức

Phía sau hậu trường, ông Trump thường nhắc đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "không ưa nhau đến mức nào", một nguồn tin cho biết và nói rằng đây là điều không mấy bất ngờ nhưng theo ông Trump, chính sự thù địch đó càng làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.

Vào 24/4, sự bực bội của Tổng thống Trump lên đến đỉnh điểm khi Nga tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào Kiev kể từ mùa hè năm ngoái. Ông Trump cho rằng cuộc tấn công diễn ra vào một thời điểm rất không thích hợp, ngay khi ông tin rằng mình sắp đạt được một thỏa thuận, điều mà ông nói với các cố vấn rằng muốn hoàn tất trước dịp kỷ niệm 100 ngày trở lại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

“Tôi không thích đêm qua,” ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy.

“Tôi không hài lòng chút nào, khi chúng tôi đang bàn về hòa bình thì tên lửa lại được phóng đi và tôi không hài lòng với điều đó".

Đây là một trong số ít lần ông chỉ trích Nga bởi từ khi trở lại nắm quyền, sự tức giận của ông chủ yếu nhắm vào Ukraine.

Cuộc trao đổi cho thấy sự thất vọng ngày càng gia tăng trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump trước việc ông không thể tạo được áp lực hiệu quả lên ông Putin nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Khi một phóng viên cho rằng ông chưa thực sự gây áp lực với nhà lãnh đạo Nga, ông Trump liền gắt lên: “Anh không biết tôi đang gây áp lực lên Nga đến mức nào đâu. Chúng tôi đang gây rất nhiều áp lực và Nga biết điều đó".

Ông Trump tiếp tục lập luận rằng “phải có hai bên cùng muốn thì mới làm được" và “Ukraine cũng phải muốn đạt được thỏa thuận".

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Moscow đã đưa ra một nhượng bộ lớn bằng cách không “chiếm toàn bộ đất nước".

“Dừng cuộc xung đột đã là một nhượng bộ khá lớn rồi", ông Trump nhận định.

Trước đó trong ngày, ông đã trực tiếp gửi lời nhắn tới Tổng thống Nga trên mạng xã hội Truth Social:

“Vladimir, DỪNG LẠI!"

Đây là một lời kêu gọi mang tính cá nhân hiếm thấy của ông Trump nhằm thuyết phục ông Putin ngừng các đợt không kích.

“Không cần thiết và thời điểm rất tệ", ông Trump nói về các cuộc tấn công vừa qua.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sự giận dữ hiếm hoi này đối với ông Putin vẫn mờ nhạt so với những chỉ trích kéo dài của ông Trump nhắm vào Tổng thống Ukraine Zelensky, người mà ông cáo buộc trong tuần này là đang kéo dài cuộc xung đột ở chính đất nước mình vì không chấp nhận kế hoạch hòa bình của Mỹ - một kế hoạch mà theo đó, Moscow kiểm soát phần lớn các vùng lãnh thổ ở Ukraine mà nước này chiếm được hiện nay. Một số đồng minh của Mỹ tỏ ra đặc biệt lo ngại về khuôn khổ thỏa thuận trên, CNN dẫn lời nhiều nguồn tin ngoại giao hôm 23/4.

Thông điệp mà ông Trump gửi tới ông Putin trên mạng xã hội chỉ vỏn vẹn 30 từ, trong khi bài đăng ông gửi cho Zelensky trước đó một ngày dài tới 259 từ.

Quả bóng đang trên sân của ai?

Tổng thống Trump hôm 24/4 tiếp tục khẳng định rằng ông không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng lần đầu tiên ông hé lộ rõ ràng hơn về khung thời gian cho sự kiên nhẫn của mình trong vấn đề này.

Khi được hỏi sẽ làm gì nếu ông Putin tiếp tục ném bom vào Ukraine, ông Trump trả lời: “Tôi muốn trả lời câu hỏi đó trong một tuần nữa. Tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận hay không. Không có lý do gì để trả lời ngay bây giờ nhưng tôi sẽ không vui, hãy để tôi nói vậy".

Trong Phòng Bầu dục, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã đến cùng Bộ trưởng Tài chính Jens Stoltenberg - người từng là Tổng Thư ký NATO trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Ông Stoltenberg khi đó được xem là người có khả năng “nói chuyện hiệu quả” với ông Trump về tầm quan trọng của NATO và từng giúp ngăn Mỹ rút khỏi liên minh. Điều này khiến ông được mệnh danh là “người rỉ tai ông Trump” trong các vấn đề quốc phòng châu Âu.

Ngày 24/4, ông Trump dường như vẫn còn giữ ấn tượng tốt với ông Stoltenberg khi gọi ông là một người “tuyệt vời.”

Chỉ một tiếng sau khi phái đoàn Na Uy rời Nhà Trắng, Tổng Thư ký đương nhiệm của NATO, ông Mark Rutte, cũng đến gặp Tổng thống Trump. Đây là một cuộc gặp không có trong lịch trình ban đầu.

Cuộc họp tập trung chủ yếu vào việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh mùa hè của NATO tại The Hague - hội nghị mà một số quan chức châu Âu lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ bỏ qua vì thái độ ngày càng lạnh nhạt của ông với liên minh này.

Tuy nhiên, ông Rutte cũng cho biết rằng vấn đề Ukraine đã được thảo luận. Mặc dù Tổng thống Trump khẳng định trước đó trong ngày rằng ông Putin “vẫn muốn đạt được hòa bình" thì ông Rutte lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều.

“Tôi đã làm việc với ông ấy trong bốn năm, từ 2010 đến 2014. Tôi đã ngừng việc cố gắng đọc suy nghĩ của ông ấy", ông Rutte nói, nhắc lại thời kỳ ông còn là Thủ tướng Hà Lan.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu của Mỹ đều đồng thuận khi đánh giá Nga là “mối đe dọa dài hạn”.

“Chúng tôi đều nhất trí trong NATO rằng Nga là mối đe dọa dài hạn đối với lãnh thổ NATO, đối với toàn bộ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", ông Rutte nói.

Về mặt ngoại giao, Tổng Thư ký NATO cho biết, “đã có một số điều được cân nhắc” dành cho Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng ông nhấn mạnh rằng giờ là lúc Moscow phải thay đổi lập trường.

“Người Ukraine đang thực sự hợp tác và tôi nghĩ quả bóng bây giờ rõ ràng đang ở bên sân của Nga", Tổng thư ký NATO khẳng định.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/su-kien-nhan-cua-ong-trump-den-gioi-han-nga-ukraine-co-nhuong-bo-post1194690.vov