Khắc họa đời sống mộc mạc của người miền Tây
Tối 5.7, tại Maii Art Space Gallery (TP.HCM), họa sĩ Nguyễn Hồng Quân khai mạc triển lãm mang tên 'Bình minh châu thổ', giới thiệu gần 70 bức tranh màu nước, được tuyển chọn từ hơn 200 tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 2019–2025.

Tác phẩm mô tả đời sống của những lưu dân trên các nhánh sông châu thổ
Lấy cảm hứng từ miền Tây Nam Bộ, các tác phẩm khắc họa đời sống mộc mạc, chân chất của những lưu dân trên các nhánh sông châu thổ. Không chỉ tái hiện cảnh vật, tranh còn chuyển tải nhịp sống, ánh sáng, dòng nước và những khoảnh khắc lặng lẽ, ẩn sâu sau nụ cười của người miền Tây.
Sử dụng chất liệu màu nước trên giấy Arches ép lạnh, Hồng Quân khai thác kỹ thuật loang tự nhiên, những lớp wash mỏng, giữ lại các khoảng trắng tinh khôi của giấy.
Gam màu chủ đạo thiên về tông trầm ấm: nâu đỏ, xám khói, xanh rêu, vàng cháy… tạo nên không gian tranh vừa thực vừa mộng, trầm tĩnh mà sâu lắng.

Khách tham quan triển lãm
Sinh ra ở miền Bắc nhưng gắn bó nhiều năm với miền Tây Nam Bộ, từng hoạt động trong Đoàn Văn công Đồng Tháp từ cuối những năm 1980, Hồng Quân mang đến một góc nhìn vừa gần gũi vừa giàu suy tưởng.
Anh không cố tái hiện miền Tây, mà để miền Tây thấm ra mặt giấy, tự nhiên như nước ngấm qua rễ lúa, như ánh nắng dọi qua mái lá.
Triển lãm “Bình minh châu thổ” cũng đánh dấu giai đoạn chín muồi trong hành trình sáng tác của Hồng Quân, khi ký ức không chỉ là nơi để trở về, mà trở thành điểm tựa để bước tiếp. Trong từng vệt màu, người xem có thể bắt gặp bóng dáng con người, dòng sông và chính mình.
Họa sĩ tâm sự, vẽ về miền Tây cũng là cách anh trả ơn vùng đất đã mang đến cho mình những cảm xúc thân thương, gần gũi
Họa sĩ Hồng Quân chia sẻ, miền Tây trong anh không ồn ào mà lặng lẽ, chân chất như con nước trôi, ghe xuồng len lỏi qua rặng dừa nước hay tiếng gà gáy trong buổi chiều nghiêng nắng. Dù không sinh ra ở đó, mỗi lần trở về miền Tây, anh luôn có cảm giác như được trở về nhà.
Với anh, vẽ màu nước là cách sống chậm lại, thở cùng nhịp sông, gìn giữ những hình ảnh tưởng chừng dễ trôi tuột theo thời gian. Anh không vẽ để làm đẹp cho đời, mà để lưu giữ bóng quê, ánh sáng, những chiếc ghe cũ, mái tóc bạc bên dòng nước chiều và buổi bình minh miền châu thổ.
“Tôi tin rằng, một bức tranh, dù chỉ vài nét, nếu thành thật, cũng đủ để người xem dừng lại, lặng đi, như lúc soi bóng bên con kênh nhỏ”, Hồng Quân chia sẻ. Với anh, màu nước không chỉ là chất liệu mà còn là cách kể câu chuyện về miền Tây, mạch nguồn sáng tác mà anh không thể dứt ra.
Được biết, cha của họa sĩ Hồng Quân là nhạc sĩ Phan Nhân (1930–2015), mẹ là NSƯT Phi Điểu, gương mặt quen thuộc trên màn ảnh truyền hình và điện ảnh Việt Nam.
Có mặt tại triển lãm từ sớm, NSƯT Phi Điểu chăm chú ngắm từng tác phẩm của con trai. Bà chia sẻ, họa sĩ Hồng Quân mê vẽ từ nhỏ, mới 4 tuổi đã bộc lộ năng khiếu hội họa với những bức vẽ gắn bó với góc nhà, cảnh vật xung quanh.

NSƯT Phi Điểu tại triển lãm tranh của họa sĩ Hồng Quân
“Lần triển lãm nào của con, tôi cũng tranh thủ có mặt, không chỉ để con thấy ấm áp, mà còn để được ngắm những tác phẩm, gợi nhớ khung cảnh miền Tây sông nước, với những con người chân chất, mộc mạc...”, bà xúc động nói.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam, chia sẻ ông rất vui khi được xem triển lãm của người bạn từ thuở sinh viên.
“Quân là con người hiền lành, dễ mến, dù trong hoàn cảnh nào cũng tỏ ra đồng cảm, ấm áp. Tranh của Quân cũng vậy, vừa chân chất, vừa mang đến cho người xem một hoài niệm về quê hương”, Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nói.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 15.7.2025.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Bình minh châu thổ":







