Triển lãm 150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ
TS Bùi Trân Phượng cho rằng với những giá trị văn hóa sâu sắc của Truyện Kiều, việc một người Việt không hiểu tác phẩm này là điều vô cùng đáng tiếc.
Ngày 5-7, tọa đàm 150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt đã diễn ra tại đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 150 năm Truyện Kiều được chuyển dịch và xuất bản bằng chữ Quốc ngữ (1875-2025).

Tọa đàm 150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt tại đường sách TP.HCM
Tọa đàm xoay quanh hành trình sống động của Truyện Kiều - không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là đối tượng khảo cứu, cảm hứng sáng tác và biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt.
Tọa đàm được dẫn dắt bởi TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cùng sự tham gia của nhà sưu tầm Dư Thanh Khiêm và TS Bùi Trân Phượng, nhà nghiên cứu lịch sử.
Là người Việt Nam không hiểu Truyện Kiều thì rất đáng tiếc
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Bùi Trân Phượng cho biết bản thân thực sự yêu quý Truyện Kiều.
"Có một bạn trẻ từng nói với tôi với một vẻ hơi hờn dỗi rằng, có những học giả viết sách và khi đọc sách của họ, bạn cảm giác rằng không không biết Truyện Kiều là không phải người Việt Nam.
Bạn băn khoăn sao mọi người lại thiêng liêng hóa một tác phẩm như vậy. Tôi nói rằng nói "không biết Truyện Kiều không phải là người Việt" thì hơi quá đáng, nhưng tôi muốn nói ngược lại là người Việt Nam không hiểu Truyện Kiều thì vô cùng đáng tiếc cho bạn" - TS Bùi Trân Phượng nói.

TS Bùi Trân Phượng, nhà nghiên cứu lịch sử.
TS Bùi Trân Phượng cho rằng Truyện Kiều là bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Bà lấy ví dụ ngay chính bà nội của mình - người nông dân nghèo khó nhưng thuộc hơn 3.000 câu Truyện Kiều và thuộc hoàn toàn bằng truyền miệng.
"Bà nội là người đã dạy tôi về Truyện Kiều, và chính vì vậy, Truyện Kiều trở nên dễ hiểu, gần gũi với tôi hơn bao giờ hết" - TS Bùi Trân Phượng cho hay.

Các bản in quý của Truyện Kiều được giới thiệu trong tọa đàm. Ảnh: Đường sách TP.HCM
Đọc Truyện Kiều để hiểu và yêu hơn Tiếng Việt
TS Bùi Trân Phượng nói thêm, đọc Truyện Kiều để hiểu và yêu hơn Tiếng Việt.
Như câu thơ "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa", chữ "thương mình" ở đây không chỉ là thương cảm thông thường, mà còn là sự trân trọng phẩm giá của bản thân dù trong hoàn cảnh bi kịch.

Đối với riêng mình, TS Bùi Trân Phượng nhận định Truyện Kiều hay và cuốn hút vì nó phản ánh được xã hội Việt Nam, quan hệ giữa người và người… từ khi có quyền lực của đồng tiền. Bà cho rằng nó không chỉ là tác phẩm văn học đơn thuần mà còn là một bản đồ văn hóa, ngôn ngữ, tâm hồn của người Việt.
"Mỗi người chúng ta có thể đọc thấy ở Truyện Kiều những gì cần phải hiểu về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Thậm chí, nó không chỉ là ở Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế. Viện trưởng Viện Goethe-Institut nói với tôi chưa chắc đọc bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Đức diễn tả đủ ý của Nguyễn Du cho nên ông đã đi tìm những bản dịch bằng tiếng Anh, Pháp.. để đọc và hiểu thêm.
Qua đó, có thể thấy người nước ngoài thấy Truyện Kiều là một tài sản quý giá mà người Việt như mình lại bỏ qua nó thì rất uổng" – TS Bùi Trân Phượng nhấn mạnh.
TS Quách Thu Nguyệt cũng chỉ ra, đến ngày hôm nay, các nhân vật trong Truyện Kiều như Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư... đã trở thành "tính từ xã hội" mà chỉ cần nhắc tên các nhân vật là đã hiểu được tính cách, nghề nghiệp.
Sự sống động ấy là nhờ khả năng khắc họa tâm lý nhân vật sắc sảo cũng như tài năng ngôn ngữ của chính Nguyễn Du.
Trong buổi đầu hình thành và phổ biến của chữ quốc ngữ, Truyện Kiều là một trong những tác phẩm đầu tiên được chuyển dịch từ chữ Nôm và xuất bản vào năm 1875, đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình hiện đại hóa văn học và ngôn ngữ Việt.
Suốt 150 năm qua, Truyện Kiều đã được tái bản, khảo dị, hiệu đính, minh họa dưới nhiều hình thức, phản ánh sự phong phú trong cách tiếp cận và thẩm mỹ in ấn qua từng thời kỳ.
Triển lãm 150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ diễn ra tại Đường sách TP.HCM từ ngày 4-7 đến 6-7, giới thiệu bộ sưu tập chọn lọc các ấn bản Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ, từ những bản in quý hiếm cuối thế kỷ 19 đến các ấn phẩm mỹ thuật đặc sắc đầu thế kỷ 20.
Đồng thời, triển lãm cũng giới thiệu những ấn bản đương đại, bao gồm bản in mỹ thuật, sáng tác minh họa hiện đại và các nỗ lực mới trong kỹ thuật trình bày.
Qua từng bản sách, dòng chú giải, nét chữ và cách in, người xem có dịp chiêm ngưỡng cách mà các thế hệ tiền nhân đã nâng niu, gìn giữ và lan tỏa Truyện Kiều như một di sản sống động.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trien-lam-150-nam-hanh-trinh-truyen-kieu-quoc-ngu-post858913.html