Khắc họa hình ảnh Bác qua lời kể

Mùa hè năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt ở cả hai miền Nam-Bắc, Cục Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật trong rừng để động viên cán bộ, chiến sĩ về dự hội nghị mừng công và kỷ niệm ngày thành lập đơn vị.

Tranh của các họa sĩ gửi về phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động của các quân chủng, binh chủng trên tuyến đường. Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh Trường Sơn lại có chút băn khoăn và mong muốn có được hình ảnh Bác Hồ trong cuộc triển lãm này. Vậy là họa sĩ Nguyễn Đức Dụ được cử ra Hà Nội gặp đồng chí Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn công tác quân sự đặc biệt-Đoàn 559 (tên gọi ban đầu của Bộ đội Trường Sơn) để nghe đồng chí kể lại chuyện Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí và một số cán bộ thuộc chiến trường Khu 5 tìm kiếm đường gùi thồ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với giọng nói thân tình, đồng chí Võ Bẩm kể về một buổi chiều tháng 5-1959, ông đến gặp Bác Hồ để nhận nhiệm vụ. Hôm đó, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng dẫn đồng chí Võ Bẩm vào một căn phòng nhỏ trong Hoàng thành. Trong căn phòng kê một bộ bàn ghế nhỏ, phía trên treo tấm bản đồ hành chính Việt Nam.

Đồng chí Võ Bẩm nhớ lại: "Khi Bác đến, tôi đứng dậy chào Bác theo đúng điều lệnh. Bác bảo tôi: “Chú ngồi xuống, nói chuyện với Bác”. Theo lời dặn của đồng chí Văn Tiến Dũng, tôi mang theo tấm bản đồ Việt Nam, trải trên chiếc bàn tròn. Bác giữ một đầu tấm bản đồ và nghe tôi báo cáo về chuyến đi khảo sát vừa qua. Nghe tôi nói, dường như Bác đăm chiêu, suy nghĩ điều gì đó... Thoáng sau, Bác vui vẻ nói với tôi: "Các chú nắm tình hình như vậy là rất tốt. Vấn đề là lòng dân trên tuyến đường Trường Sơn, các chú cần lưu ý". Rồi Bác đứng dậy, chỉ vào tấm bản đồ treo trên tường, nói rất chi tiết và giao nhiệm vụ cho tôi một cách cặn kẽ. Tôi lấy sổ ghi chép từng lời của Bác".

Kể đến đây, đồng chí Võ Bẩm vừa cười vừa nói với họa sĩ Nguyễn Đức Dụ: “Tôi kể như vậy là bằng lời. Còn họa sĩ làm thế nào thể hiện được suy tư của Bác về đồng bào miền Nam đang đau khổ đến đâu trước sự khủng bố dã man của ngụy quyền Sài Gòn là việc của đồng chí".

Đêm ấy và cả ngày hôm sau, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ cứ suy nghĩ miên man về bức tranh “bố cục chỉ có hai người”-phải nói là “khan và tĩnh lặng”, nhưng lại rất sâu lắng về tình cảm. Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đề nghị đồng chí Võ Bẩm làm mẫu, ngồi đúng như lúc làm việc với Bác Hồ để ký họa theo nhiều hướng, đầy đủ các chi tiết. Sau đó, anh phác họa bằng chì than đủ độ đậm-nhạt, sáng-tối...

Khi bố cục tạm ổn, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ bắt đầu thể hiện bằng chất liệu sơn dầu. Vừa vẽ, anh vừa suy nghĩ về câu nói của Bác với đồng chí Võ Bẩm: “Mở tuyến đường này phải đi đúng hướng thuận lợi; xa đồn bốt địch, xa dân, nhưng phải được lòng dân ủng hộ thì nhất định thành công”.

Hoàn thành bức tranh, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ mang ngay vào chiến trường, trưng bày tại vị trí trung tâm một căn phòng rộng, mái lợp lá cọ, vách đan bằng nứa, cùng những bức ký họa tại chỗ về những hoạt động của Bộ đội Trường Sơn. Bức tranh làm cho triển lãm thêm sinh động, trang trọng, sáng đẹp giữa rừng già Trường Sơn.

LÊ HOÀI THAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/khac-hoa-hinh-anh-bac-qua-loi-ke-591240