Khắc họa một con người vĩ đại mà khiêm nhường
Bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” về Chủ tịch Hồ Chí Minh của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã xuất bản tập thứ 4 với nhan đề “Đường lên Điện Biên”.
Thời gian trong tập 4 là 9 năm, từ khi nước ta giành được độc lập cho đến Hiệp định Geneva được ký kết (1945-1954). Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn với cách mạng Việt Nam, phải đối diện với thù trong giặc ngoài. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua bao thác ghềnh để giữ vững chính quyền cách mạng.
Với dung lượng gần 200 trang, để phản ánh một thời kỳ không hẳn là dài nhưng ăm ắp sự kiện, đòi hỏi người viết phải chọn lọc tư liệu, đi sâu vào điểm nhấn để làm nổi bật những phẩm chất thiên tài của Bác Hồ-một con người thay đổi lịch sử dân tộc.

Bìa cuốn sách.
Với kẻ thù là bọn thực dân Pháp hiếu chiến, quân Tưởng Giới Thạch nham hiểm và tay sai của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khéo léo, linh hoạt trong đối phó.
Dưới ngòi bút của tác giả, Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam luôn theo đuổi chính sách hòa bình, chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng khi nền độc lập bị đe dọa. Những cuộc trò chuyện của Bác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa... được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ dựng lại sinh động, có thể thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Người và quân dân ta cho một cuộc chiến không thể tránh khỏi.
Giai đoạn này, các nhà sử học đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những tổng kết xác đáng. Đây chính là thách thức với tác giả khi tiểu thuyết hóa để trung thành với lịch sử nhưng không đồng nhất với chép sử khô khan. Câu chuyện tác giả muốn gửi gắm là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đồng chí của mình với trí tuệ, ý chí, bản lĩnh phi thường đã thành công giữ được chính quyền-một việc còn khó hơn cả giành được chính quyền như V.I.Lênin đã đúc kết. Giành hay giữ chính quyền thì đều dựa vào sức dân, dựa vào sự đoàn kết toàn dân. Vậy nên bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân phải luôn được giữ vững và trao truyền đến muôn đời.
Trong cuộc chiến sinh tử với một cường quốc như thực dân Pháp, chúng ta sẽ khó khăn nếu bị cô lập. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo phá thế bao vây của Bác, nước ta được các cường quốc công nhận vào năm 1950. Những cuộc trò chuyện với các lãnh tụ của Liên Xô, Trung Quốc là Stalin, Mao Trạch Đông được tác giả dựng lên sống động, làm nổi lên tình đoàn kết quốc tế vô sản. Việt Nam cần bạn giúp nhưng các bạn cũng cần cách mạng Việt Nam phát triển, Quân đội ta sớm vững mạnh để gánh vác trọng trách lịch sử. Ngoại giao là mặt trận thể hiện rõ triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác.
Trong tư duy tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ kết tinh từ nhiều yếu tố. Không chỉ là trí tuệ sách vở mà cả thực tiễn phong phú Bác đã trải nghiệm. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ trong bộ tiểu thuyết này đã không rơi vào phi thường hóa, thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh mà xây dựng hình tượng lãnh tụ tài năng xuất chúng nhưng rất gần gũi, giản dị; chu toàn trong từng việc nhỏ mới làm được việc lớn, suy nghĩ và hành động với chữ nhân, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết thì mới có thể xoay vần thế cục.
Với điểm tựa lòng dân, sự trợ giúp của nhân dân tiến bộ trên thế giới, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã vượt qua bao khó khăn trong kháng chiến chống thực dân Pháp để làm nên một “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Tập 4 khép lại, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết cũng được mở ra, có lẽ giống như cảm giác của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong lời tựa tập 4 đó là muốn được đọc tập 5 tác giả đang viết và đọc lại từ tập 1 bởi sức hấp dẫn của nhân vật và lối viết của tác giả.