Khắc khoải đợi chuyên gia ngoại

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều chuyên gia ngoại của các môn thể thao không thể sang Việt Nam làm việc theo kế hoạch. Hình thức huấn luyện, chỉ đạo trực tuyến cho VĐV đã được thực hiện nhưng rõ ràng không thể thay thế huấn luyện trực tiếp. Vì thế, nhiều đội tuyển vẫn khắc khoải chờ chuyên gia ngoại.

Còn ngành Thể thao đang nỗ lực để đưa các chuyên gia trở lại Việt Nam huấn luyện, đặc biệt khi SEA Games 31 – 2021 chỉ còn hơn 1 năm là khai mạc.

Chỗ may mắn, chỗ lỡ dở

Dịp Tết Nguyên đán 2020, nhiều chuyên gia nước ngoài đã trở về nước để đón Tết. Trong số này có chuyên gia bóng bàn Dư Chí Quốc (giúp đội tuyển bóng bàn giành 1 HCV đồng đội tại SEA Games 30), chuyên gia bơi Hoàng Quốc Huy (người góp công lớn vào 4 tấm HCV của đội tuyển bơi nam ở SEA Games 30)…

Thế rồi những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến đường bay quốc tế từ Việt Nam đến các nước không thể thực hiện. Việc nhập cảnh bằng đường bộ với các chuyên gia Trung Quốc cũng không thể diễn ra khi mục tiêu ngăn nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, kế hoạch huấn luyện năm 2020 đã được vạch ra với đích ngắm là vòng loại Olympic Tokyo cũng như SEA Games 31 – 2020 được tổ chức tại Việt Nam.

Cũng vì lỡ dở như vậy nên ở đội tuyển bơi, từ đầu năm đến nay các kình ngư hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo đành tập luyện thông qua giáo án của chuyên gia Hoàng Quốc Huy. Các thông số, hình ảnh tập luyện của các kình ngư liên tục được truyền đến chuyên gia để phân tích nhờ những ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng phổ biến trên thế giới.

Chuyên gia Dư Chí Quốc (giữa) đang rất mong ngày trở lại làm việc với đội tuyển bóng bàn Việt Nam.

Chuyên gia Dư Chí Quốc (giữa) đang rất mong ngày trở lại làm việc với đội tuyển bóng bàn Việt Nam.

Nhưng đúng là có chuyên gia huấn luyện trực tiếp vẫn sẽ hiệu quả hơn, cả về tâm lý cũng như những vấn đề về chuyên môn cho các kình ngư. Điều này càng trở nên quan trọng khi HLV Hoàng Quốc Huy có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về chuyên môn của các kình ngư trên trong thời gian qua. Vì thế, huấn luyện từ xa cũng chỉ là bất đắc dĩ.

Ngay như câu chuyện của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng gần tương tự. Ánh Viên trở về Việt Nam để tập luyện từ đầu năm sau gần 7 năm tập huấn liên tục tại Mỹ. Trong kế hoạch của Tổng cục TDTT, có mục thuê chuyên gia Trung Quốc cho Ánh Viên hoặc đưa cô đi tập huấn ở Hungary. Tuy nhiên, phương án thuê chuyên gia Trung Quốc cho Ánh Viên vẫn được ưu tiên hơn cả bởi có thể giúp cô gái này tiếp tục tỏa sáng tại SEA Games 31 tại Việt Nam, thậm chí duy trì cơ hội giành vé dự Olympic 2021.

Tuy vậy, dịch COVID-19 khiến kế hoạch thuê chuyên gia Trung Quốc cho Ánh Viên chưa thể thành hiện thực. Đến lúc này, cô vẫn đang được huấn luyện bởi một HLV nội. Tất cả cũng chỉ nhằm duy trì thể lực.

Trong khi đó, chuyên gia Dư Chí Quốc ở đội tuyển bóng bàn Việt Nam dù đã ký gia hạn hợp đồng đến hết SEA Games 31 năm 2021 nhưng sau khi về Trung Quốc ăn Tết Nguyên đán cũng đành không thể quay lại Việt Nam. Từ đó đến nay, qua một số kênh trao đổi, vị chuyên gia đưa bóng bàn Việt Nam giành HCV đôi nam ở SEA Games 30 này cũng bộc lộ sự sốt ruột vì ông đã lên kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 31 từ rất lâu.

Ngay thể thao Hà Nội cũng gặp tình trạng này. Trong đó, chuyên gia hệ thống đào tạo trẻ Quế Tứ Kỳ (Trung Quốc) của bộ môn cử tạ sau khi về nước ăn Tết Nguyên đán 2020 đến nay cũng chưa thể trở lại Việt Nam.

Còn ở một số đội khác, các chuyên gia lại không thể về nước bởi dịch COVID-19. Như ở đội bi sắt Hà Nội là trường hợp chuyên gia người Thái Lan Samnaeng Youngcham… Cũng vì thế, đến lúc này, các đội vẫn có chuyên gia để bảo đảm kế hoạch huấn luyện không bị ảnh hưởng đáng kể do dịch COVID-19. Chứ nếu các chuyên gia trở về nước rồi sau đó không thể trở lại vì những hạn chế về đi lại giữa các nước thì công tác huấn luyện của các đội trên sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Làm bù, vắt chân lên cổ

Tổng cục TDTT cũng như ngành thể thao Hà Nội cũng đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của các chuyên gia nước ngoài nhất là khi chưa thể đi tập huấn nước ngoài. Trong khi đó, mục tiêu giành thành tích tốt nhất để xếp Nhất toàn đoàn ở SEA Games 31 vẫn bất di bất dịch dù chỉ còn hơn 1 năm là đến ngày khai mạc.

Trong số những VĐV được kỳ vọng giành nhiều HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 đương nhiên có Nguyễn Thị Ánh Viên. Việc Ánh Viên có thể giành 6-8 HCV tại SEA Games 31 hoàn toàn trong khả năng nhất là khi những vấn đề về chuyên môn trong thời gian qua của cô đã được, nhận diện. Quan trọng là cần có chuyên gia ngoại cho Ánh Viên.

Vì thế, như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục TDTT cùng Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đã lên phương án thuê chuyên gia ngoại cho Ánh Viên. Nhưng do dịch COVID-19 nên trong thời gian qua, việc này chưa có tiến triển đáng kể.

Cũng vì vậy, chỉ còn cách xúc tiến các thủ tục để các chuyên gia ngoại sang Việt Nam làm việc nhất là khi Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này. Đương nhiên, khi sang Việt Nam, các chuyên gia sẽ phải trải qua giai đoạn cách ly như quy định và qua kiểm tra y tế ngặt nghèo.

Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết, hiện các thủ tục xin phép các cơ quan chức năng để đưa các chuyên gia ngoại trở lại Việt Nam đã hoàn tất. Khả năng các chuyên gia trở lại Việt Nam làm việc là khả thi. Việc này càng có cơ sở khi mới đây, Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Việt Nam người Nhật Bản Yusuke Adachi đã đến Việt Nam, trải qua thời gian cách ly theo quy định rồi bắt tay vào công việc ở LĐBĐ Việt Nam.

Theo kế hoạch của Tổng cục TDTT, tháng 9 tới một loạt chuyên gia Trung Quốc trong đó có ông Hoàng Quốc Huy ở môn bơi lội hay Dư Chí Quốc ở môn bóng bàn sẽ có mặt tại Việt Nam sau quãng thời gian di chuyển bằng đường bộ. Sau khi thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định tại khách sạn Mường Thanh (Hà Đông, Hà Nội), qua xét nghiệm khẳng định, nếu không nhiễm COVID-19 thì tất cả sẽ trở lại làm việc.

Với một số chuyên gia nước ngoài ngoài Trung Quốc như Joseph (Australia) của môn đua thuyền, do đường bay thương mại từ Australia đến Việt Nam chưa khai thác trở lại nên nếu có các chuyến bay nhân đạo thì Tổng cục TDTT sẽ xin đăng ký cho ông Joseph trở lại Việt Nam.

Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, trong tuần tới Trung tâm cũng sẽ làm thủ tục gửi cơ quan chức năng của thành phố để hỗ trợ đưa các chuyên gia ngoại của thể thao Hà Nội trở lại Hà Nội.

Ngay từ lúc này, một số chuyên gia ngoại đã khẳng định sẽ không trở lại nước trong dịp Tết Nguyên đán 2021 tới để đề phòng không thể trở lại Việt Nam vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp cũng như cần tập trung tối đa cho các đội tuyển để chuẩn bị cho SEA Games 31. Chuyên gia Dư Chí Quốc của đội tuyển bóng bàn quốc gia cho hay sẽ ở lại Việt Nam cho đến khi kết thúc hợp đồng, hết SEA Games 31 -2021, và sẽ làm việc cật lực vì trong hơn nửa năm qua đã không thể thực hiện được kế hoạch cho SEA Games 31. Nếu được, cũng chỉ xin Tổng cục TDTT cho người thân sang Việt Nam đón Tết Nguyên đán 2021 cùng ông trong ít ngày.

Rõ ràng, khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp khó lường thì việc tranh thủ đưa các chuyên gia ngoại trở lại Việt Nam là cần thiết cho thể thao Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là đơn vị có trách nhiệm nhanh chóng thúc đẩy các thủ tục để thực hiện kế hoạch một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Trả lương hợp lý cho các chuyên gia

Theo Tổng cục TDTT, dù không sang Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia vẫn huấn luyện trực tuyến cho VĐV Việt Nam trong thời gian qua. Vì thế, Tổng cục TDTT sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để trả mức lương hợp lý, phù hợp với đóng góp của từng chuyên gia.

Ngoài ra, trong những yêu cầu đối với các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam là phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19, khai báo thông tin cụ thể về ngày đến – cửa khẩu nơi nhập cảnh, bên cạnh đó là các giấy tờ của phía Việt Nam đồng ý cho phép nhập cảnh.

Minh Khuê

Minh Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/khac-khoai-doi-chuyen-gia-ngoai-609533/