Khắc khoải lo nước

Hạn nặng đang bủa vây khắp mọi ngã, đất đai thêm phần khô khốc dưới cái nắng rát, gió thổi lồng lộng. Những ngày tháng 4, 5 đỉnh hạn ở huyện Hàm Thuận Nam sẽ còn rất khốc liệt, trời thì cứ trong veo, cao vời vợi…

Khắc khoải lo nước

 Thi công nạo vét dòng chảy và cống thoát nước hồ Ba Bàu.

Thi công nạo vét dòng chảy và cống thoát nước hồ Ba Bàu.

Căng thẳng

Ngay lúc này hồ Sông Móng không thể tiếp tục chuyển nước về hồ Đu Đủ vì cao trình nước hiện tại thấp hơn cống lấy nước. Do đó, lượng nước còn lại của hồ được tiếp về hồ Ba Bàu để bổ sung nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Ba Bàu phục vụ tưới 1 phiên cho các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm. Đợt nước “vét” cuối cùng này là chút hy vọng tạm thời giữ được màu xanh những vườn thanh long đang cơn khát.

Gần 1 tháng qua, ở xã Hàm Thạnh thanh long nhìn có vẻ phát triển tốt, nhưng trong lòng nông dân lại rầu rĩ, bởi cái nắng chói chang đã rút hết nước các giếng và ao đào trong vườn lẫn nước dưới kênh thủy lợi. Anh Hồ Trịnh Ngọc Hải (ở thôn Dân Hòa) có 3.000 trụ thanh đứng ngồi không yên. Anh Hải nói, dù thanh long là cây chịu hạn nhưng vườn anh chỉ có thể cầm cự được hơn 1 tuần nữa. Đến khi đó, nếu không có nguồn nước tưới thì thanh long của anh và nhiều nông dân nữa trong vùng phải chịu chung cảnh ngộ vàng dây, hư hại. Nói rồi anh Hải chỉ những dây thanh long mới xuống đang héo khô giữa cánh đồng cháy nắng. Cái ao to trong vườn cũng đã cạn, đáy hồ trơ lên lớp đất lổn ngổn phủ lớp nước mỏng màu đục ngầu. Trước cái tin mở nước về hồ Ba Bàu không làm anh Hải vui lên được bởi nước về tới đâu người dân gần tuyến kênh sẽ hưởng lợi họ mở béc quay nước tưới ngay để cứu vườn, còn vườn anh ở xa chưa tới lượt nước đã hết. Chưa kể, nắng gay gắt đã nhiều tháng qua cũng mất một lượng thẩm thấu xuống đất. Lường trước được nắng hạn, anh Hải không cho thanh long ra trái mà chỉ nuôi dây, anh cũng như nhiều người trồng thanh long rủ nhau đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan thêm giếng ngầm và đào ao tích nước nhưng rồi vẫn “lực bất tòng tâm” do nhiều hệ thống kênh mương đã trơ đáy, mạch nước ngầm không phải nơi nào khoan cũng có nước, nếu có rất ít lại nhiễm phèn nặng.

Nước hiếm hoi, trước đó hàng trăm hộ canh tác thanh long dọc kênh Gò Sài, xã Hàm Mỹ không chờ được đợt mở nước phiên từ đập Đồng Đế (xã Hàm Kiệm) chảy về để tưới tiêu. Họ sốt ruột, đành chịu tốn kém bơm nước sinh hoạt vào ao để cứu vườn thanh long đang chín giải quyết tạm thời trong khi chờ nước về. Cũng có người liều mình “trộm nước” từ công trình đập Đồng Đế trước khi nước mở, anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Hàm Mỹ sống dọc kênh Gò Sài cho hay: “Không chờ được nước từ đập về, ở xã cũng có nhóm đến chục người, đêm khuya họ rủ nhau đi “ăn nước”. Nước xả về chỉ chảy nhỏ, vừa đủ cho 1, 2 máy bơm loại nhỏ tưới, họ lại giữ không cho ai tưới”. Trong lúc nỗi lo nước cứ căng lên như “dây đàn”, nông dân cần tính toán chắt chiu từng giọt nước thông qua tích trữ ở ao hồ, lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm, hay chủ động hạn chế ra sản xuất là cách giúp nông dân sẽ giảm bớt thiệt hại… cầm cự đi qua mùa hạn.

2 cơn khát

Bước sang tháng 4, mực nước còn lại tại các hồ chứa tại huyện Hàm Thuận Nam rất hạn chế. Hồ Tà Mon chỉ còn một số vũng nước rải rác ở dưới mực nước chết của hồ và không thể cấp nước qua cống và kênh chính hơn 1 tháng nay. Hồ Ba Bàu cũng tương tự nước cạn trơ đáy, từng mảng đất nứt nẻ.

Cùng lúc “vật lộn” với thời tiết nắng nóng, tìm nguồn nước tưới cho cây thanh long thì người dân các xã Tân Lập, Hàm Cường, Mương Mán, Hạm Thạnh, Hàm Cần thêm gánh nặng thiếu nước sinh hoạt. Không khó bắt gặp những thùng phuy nước bằng nhựa rất to trong nhà của người dân. Thống kê của UBND xã Hàm Thạnh, toàn xã có 2 thôn Dân Hòa, Dân Thuận không có nước máy, nguồn nước bị nhiễm phèn, đa số hộ dân phải mua nước uống. Anh Trịnh Quang Bằng – Trưởng thôn nhẩm tính: “Thôn Dân Hòa có đến 300 hộ với trên 1.100 nhân khẩu, thì đa số đều mua nước bình uống mỗi tháng chi phí từ 200.000 – 300.000 đồng rất tốn kém. Cũng đến 30 cái giếng khoan mới, cũ nhưng không có nước hoặc nhiễm phèn rất nặng, mặc dù đã có tuyến ống hệ thống cấp nước 3 xã Hàm Thạnh – Mương Mán – Hàm Mỹ đi qua nhưng bỏ dở dang chưa nối mạng, người dân nơi đây mong chờ nước sạch từng ngày”. Tình trạng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể nấu ăn, tắm gội ngứa ngáy ảnh hưởng đến sản xuất còn diễn ra tại xã Tân Thuận với 7 thôn trong xã thì 100% giếng nhiễm phèn, mặn, cứ đến mùa này người dân đi mua nước với giá cao. Nhà có điều kiện đầu tư mua bộ lọc, hoặc chứa vào thùng phuy đợi nước lắng nhưng cũng chỉ để rửa chén, tưới cây. Thiếu nước sẽ còn tiếp diễn vài tháng trước mùa mưa, nguồn thu của người dân, sẽ “héo hon” hơn. Chi tiêu thế nào cũng phải tính toán bởi riêng tiền mua nước sinh hoạt thôi đã chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến sinh kế dài lâu người dân chứ không chỉ chuyện hiển hiện trước mắt.

 Anh Trịnh Quang Bằng bơm trữ nước từ dưới ao tưới thanh long lên và lọc phèn để tắm giặt, rửa chén.

Anh Trịnh Quang Bằng bơm trữ nước từ dưới ao tưới thanh long lên và lọc phèn để tắm giặt, rửa chén.

Trước tình thế cấp bách, UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi chi nhánh huyện huy động máy móc, công nhân đang nỗ lực nạo vét các tuyến kênh chính khu vực hồ Ba Bàu bị bồi lấp, cản trở dòng chảy phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân các xã lân cận. Việc quản lý tốt nguồn nước tại hồ Tân Lập, Ba Bàu lúc này nhằm đảm bảo nguồn nước mặt cho các nhà máy nước hoạt động ưu tiên nước sinh hoạt cho đến hết tháng 6. “Nếu cần thiết tính toán thành lập tổ bảo vệ nguồn nước, các phương án cấp bách phòng chống hạn và cấp nước sinh hoạt đang triển khai”, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT Hàm Thuận Nam cho hay. Cũng theo ông Phúc, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, huyện kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư công trình cấp nước bức xúc, cấp bách trên địa bàn như mở rộng tuyến cấp nước xã Hàm Cường, Tân Lập; đầu tư nâng cấpnhà máy nước Thuận Nam đảm bảo công suất cung cấp nước sinh hoạt, sửa chữa các hồ Tà Mon, Tân Lập xuống cấp...

Ai từng tay xách nách mang từng can đi mua nước mới hiểu hơn cảnh khó khăn của người dân vùng đất khát. Xin đừng nghĩ đảm bảo đủ nước dùng chỉ là chuyện của công ty cấp nước! Thiếu nước mặt, người dân quay sang tìm cứu cánh bằng cách tận dụng nước ngầm và sẽ phải đối mặt vấn đề hạn hán, nhiễm mặn, sụt lún... Cùng với chống hạn cần những kế hoạch quyết liệt về chuyện tiết kiệm nước, tích trữ nước từ nông thôn đến thành thị khi nước sạch đang cạn kiệt dần. Và câu chuyện “khát nước” hôm nay thêm một lời nhắc nhở để cả cộng đồng nhìn lại cách sử dụng nước hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT cho biết: Qua rà soát ban đầu toàn huyện có khoảng 2.658 hộ với 10.632 khẩu đang thiếu nước sinh hoạt; có khoảng 500 hộ với 2.000 khẩu thuộc hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách… đang tổng hợp đề nghị tỉnh hỗ trợ giúp người dân.

Ghi chép: Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/khac-khoai-lo-nuoc-126558.html