Khắc phục bất cập hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ

Muốn phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Bộ ở mức cao, vấn đề liên kết vùng rất quan trọng, trước hết là phải khơi thông hệ thống giao thông.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường liên kết TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối cảng Cái Mép, CHK quốc tế Long Thành thường xuyên ùn tắc

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường liên kết TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối cảng Cái Mép, CHK quốc tế Long Thành thường xuyên ùn tắc

Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Đây là vùng có kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố kinh tế - xã hội khác.

Nhưng những năm gần đây sự phát triển của vùng này có phần chững lại. Điểm nghẽn lớn nhất là việc phối hợp liên kết vùng, hợp tác vùng đang còn kém. Điển hình như việc quy hoạch vùng đô thị TP.HCM đã có, nhiều chương trình đã duyệt nhưng chưa thực hiện.

Gần đây, một số dự án như Vành đai 3, Vành đai 4… các tỉnh có sự vào cuộc để triển khai chung, nhưng như vậy đã là chậm. Đáng ra, những dự án này phải triển khai từ lâu.

Để thúc đẩy sự phát triển liên kết vùng, các địa phương cần xem đây là cơ hội để cùng nhau phát triển. Tôi lấy ví dụ, 4 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cần nhìn thấy cơ hội để phát triển kinh tế biển. Khi đó, cần nhìn theo một chuỗi kinh tế mà các tỉnh, thành có biển và không có biển cùng hợp tác.

Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM có biển, có cảng biển sẽ phát triển cảng biển, vận tải biển, các dịch vụ logistics. Đồng Nai, Bình Dương không có biển thì phát triển sản xuất công nghiệp để cung ứng hàng hóa, tạo nguồn hàng cho vận tải…

Tuy nhiên, hệ thống giao thông liên kết vùng giữa 4 tỉnh, thành này còn rất kém. Vì thế, phải hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng, mà trước hết là 4 tỉnh, thành này lại với nhau. Nếu liên kết vùng tốt, sự phát triển của các tỉnh, thành này sẽ tăng lên gấp chục lần chứ không như hiện nay.

Đây là kinh nghiệm mà tôi đã từng tham gia quy hoạch những vùng đô thị lớn trên thế giới như: Thâm Quyến, Thượng Hải, San Francisco...

Nói chung, muốn phát triển kinh tế ở mức cao, vấn đề liên kết vùng là rất quan trọng, trong đó đầu tiên là phải khơi thông hệ thống giao thông.

Ở đây không chỉ có đường bộ cao tốc, mà cả đường sắt, hàng không, đường thủy để vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, vừa vận chuyển hàng hóa để phát triển kinh tế.

Muốn phát triển giao thông thì phải có tiền, vậy nguồn lực ở đâu để thực hiện? Tôi cho rằng cần sự hỗ trợ về thể chế.

Cần có cơ chế thông thoáng để giúp các tỉnh, thành chủ động hơn trong liên kết. Chẳng hạn 4 tỉnh, thành này đóng góp nhiều nhất cho ngân sách, vì vậy Trung ương cần hỗ trợ về ngân sách, phần nộp vào ngân sách Trung ương cần được trích lại nhiều hơn để đầu tư cho hạ tầng.

Nhưng hỗ trợ nhiều bao nhiêu cũng sẽ không đủ, vì vậy cần những cơ chế thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Chẳng hạn, khi phát triển những tuyến đường huyết mạch, với những khu đất rộng hàng chục, hàng trăm héc-ta hai bên đường, lúc đó cần có cơ chế đấu giá để tạo nguồn thu. Một tuyến thôi cũng có thể thu được hàng tỷ USD từ tiền đấu giá đất.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khac-phuc-bat-cap-ha-tang-giao-thong-dong-nam-bo-d574326.html