Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để đáp ứng thực tiễn
Với độ mở của kinh tế Việt Nam thì việc đổi mới Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để thích ứng với thông lệ thế giới là việc mà chúng ta cần phải làm, đồng nghĩa với đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Sáng 29/5/2020 tại Hà Nội, Cục Việc làm - Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm và các đại diện đến từ nhiều Bộ, ngành liên quan.
Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp".
Có thể nói bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao. Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.
Về bộ máy, còn giới hạn trong phạm vi địa phương nên tính liên kết còn yếu, hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.
Về nhân sự, từ 3 nguồn: biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động. Do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn.
Về cơ chế tài chính, từ 3 nguồn: nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nguồn thu từ các dịch vụ tại Trung tâm. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chưa hỗ trợ đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong khi tất cả hoạt động của trung tâm như điều tra cung – cầu lao động, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, kết nối việc làm,… đều phục vụ cho người thất nghiệp.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp,…
Dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp" đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của người lao động và đưa ra 11 giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đến nay cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Dù vậy, bên cạnh những mặt được, Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý, BHTN còn bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp...
Do đó, việc xây dựng Đề án này là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện BHTN.
Nhận định về thực hiện BHTN trong thời gian qua, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, BHTN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống BHTN đã đóng vai trò nổi bật. Có thể nói, rủi ro về thị trường lao động đột biến và chưa từng xảy ra. Riêng trong tháng 4, tháng 5 tại nhiều tỉnh thành lớn, số người thất nghiệp đã tăng lên. BHTN đến 30/5 dự kiến đã chi hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động và bằng cơ chế thị trường. Dự kiến hết năm 2020 có thể chi hơn chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động và hàng triệu người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm sẽ quay trở lại thị trường lao động.
"Vai trò của BHTN tại các nước trên thế giới kể cả mặt lý luận và thực tiễn đều hiểu rõ là không chỉ đảm bảo chi trả cho người lao động rủi ro trên thị trường lao động mà quan trọng hơn là hỗ trợ người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Đây là chức năng của quỹ BHTN", ông Vũ Trọng Bình nói.
Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế có vị thế, một nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu. Khi quy mô nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi và hội nhập kinh tế Việt Nam ngày càng sâu rộng hơn thì quy mô Quỹ BHTN không còn đáp ứng đủ so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, thị trường lao động phát triển, quá trình công nghiệp hóa mạnh, nhất là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Qua đánh giá thì địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh và thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của Quỹ BHTN càng lớn. Điều này khẳng định Quỹ BHTN có quan hệ chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa ở các địa bàn.
"Chúng ta hình dung: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội... nếu không có Quỹ BHTN trong thời gian qua thì hàng triệu người lao động nếu thất nghiệp sẽ rất khó khăn để quay trở lại thị trường lao động và không có hỗ trợ rủi ro. Đây là rủi ro trong quá trình công nghiệp hóa và chính Quỹ BHTN đã giúp cho sự ổn định phát triển thị trường lao động trên các địa bàn", ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Cục Việc làm, với thị trường lao động thì Quỹ BHTN chính là công cụ của Nhà nước để quản trị thị trường lao động. Bởi chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nếu không có một thị trường lao động định hướng XHCN và Quỹ BHTN là công cụ chính để Nhà nước quản trị thị trường lao động.
Vì vậy, việc cải cách, đổi mới Quỹ BHTN chính là thực hiện chỉ đạo chủ trương của Đảng về phát triển thị trường định hướng XHCN mà trong đó Quỹ BHTN là công cụ của Đảng, Nhà nước quản trị thị trường thông qua cơ chế thị trường.
"Với độ mở của kinh tế Việt Nam thì việc đổi mới Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để thích ứng với thông lệ thế giới là việc mà chúng ta cần phải làm, đồng nghĩa với đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay", ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.