Khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền núi phía bắc

Trong những ngày qua, mưa, lũ gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống và sản xuất của người dân các tỉnh miền núi phía bắc. Với sự nỗ lực tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng, công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại khu vực này đang hết sức khẩn trương.

Người dân xã Yên Thành, huyện Quang Bình (Hà Giang) hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn. (Ảnh KHÁNH TOÀN)

Người dân xã Yên Thành, huyện Quang Bình (Hà Giang) hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn. (Ảnh KHÁNH TOÀN)

Mưa, lũ tại tỉnh Hà Giang đã khiến một người mất tích do lật thuyền trên sông và 10 người bị thương do sét đánh, sạt lở đất. Mưa, lũ làm 23 nhà dân bị sập hoàn toàn; 160 nhà bị ngập úng, sạt lở đất gây hư hại; gần 900ha lúa, ngô, lạc và các loại cây trồng khác bị ảnh hưởng do ngập úng, lũ bùn vùi lấp. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra tại Hà Giang là hơn 46 tỷ đồng.

Mưa, lũ cũng gây thiệt hại lớn về đường giao thông; làm bốn cây cầu bị nước cuốn trôi, nhiều điểm sạt lở trên các tuyến đường liên thôn, liên xã bị đất đá sạt với khối lượng hơn 11.000m3 gây tình trạng ách tắc giao thông cục bộ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết: “Do đường vào xã bị sạt lở nên các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được địa bàn xã Xuân Minh. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng huy động máy xúc, máy ủi của người dân và các doanh nghiệp san gạt đất đá; phấn đấu thông đường vào xã Xuân Minh trong ngày 17/9”.

Trường hợp mất tích là chị Trưởng Thị Miền, thôn Lủ Thượng, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình vẫn chưa được tìm thấy. Mưa đã ngớt nhưng mực nước sông Chừng vẫn cao, chảy xiết. Huyện Quang Bình và xã Tân Bắc huy động hơn 50 người gồm công an, quân đội, dân quân, người dân chia thành nhiều tổ để tìm kiếm dọc hai bên bờ sông Chừng.

Sáng 17/9, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã đến xã Tân Bắc để thăm hỏi, động viên gia đình có người bị mất tích, đến hiện trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình và xã Tân Bắc huy động nhân lực, phương tiện để nhanh chóng tìm kiếm người mất tích bàn giao cho gia đình an táng.

Tại tỉnh Sơn La đã xảy lũ quét, mực nước dâng cao gây ngập úng, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, nhà cửa, hoa màu. Mưa, lũ kéo dài cũng đã gây sạt lở ta-luy dương tại các tuyến giao thông, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, mưa, lũ trong mấy ngày qua đã gây tổng thiệt hại gần 120 tỷ đồng; trong đó, có một người chết do lũ cuốn trôi, 79 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng lớn tới hệ thống giao thông thuộc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện và đường xã với thiệt hại hơn 63 tỷ đồng; làm vùi lấp, cuốn trôi, hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, trong đó tập trung tại các xã của huyện Phù Yên với gần 2.400m kênh mương bị vùi lấp, cuốn trôi, hư hỏng và tám đập thủy lợi, 636 kè bị hư hỏng nặng…

Sạt lở ngầm tràn ở xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Sạt lở ngầm tràn ở xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Mưa, lũ đã làm ngập Trường trung học cơ sở xã Tạ Khoa, khiến 110 học sinh bán trú phải tạm thời di dời và nghỉ học. Sau nhiều ngày khắc phục ngập úng bởi trận mưa lớn trước ngày khai giảng khiến thầy và trò nhà trường phải tổ chức đón năm học mới tại nhà văn hóa của bản, vừa ổn định việc học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh, thì trận mưa lớn từ đêm 11 và sáng 12/9 lại tiếp tục làm ngập úng cục bộ Trường trung học cơ sở xã Tạ Khoa, có điểm ngập sâu nhất hơn 2m. Nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của giáo viên và học sinh bị hư hại, học sinh phải tạm nghỉ học.

Mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, ngập úng, sạt lở đất ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó, các xã Nghĩa Ðô, Vĩnh Yên, Tân Tiến… thuộc huyện Bảo Yên đã xuất hiện lũ ống trên suối gây thiệt hại nặng nhà ở, trường học, đường giao thông và hoa màu, tài sản của người dân địa phương. Mưa, lũ đã làm 12 nhà dân bị thiệt hại; hơn 51ha lúa và hoa màu bị vùi lấp; 11 công trình đường giao thông, thủy lợi, cầu, ngầm tràn bị đứt gãy, sạt lở; quốc lộ 70 bị ách tắc cục bộ tại Km 136+900; một số tuyến đường bê-tông tại các xã, thị trấn bị sạt lở ta-luy dương; Trường mầm non Nghĩa Ðô bị sạt ta-luy dương, khoảng 100m3 đất đá vùi lấp… Ước tổng thiệt hại gần sáu tỷ đồng.

Ngày 13/9, mưa lớn kéo dài gây lũ ống, sạt lở đất làm thiệt hại ở huyện Văn Bàn. Mưa, lũ đã làm 58 nhà dân bị ngập úng, sạt lở; trong đó có sáu nhà bị hư hỏng nặng, 52 nhà bị ngập nước. Ðặc biệt, có 20 hộ dân ở tổ dân phố số 5, thị trấn Khánh Yên nằm ven quốc lộ 279 bị ngập sâu trong nước, nhiều đồ dùng, thiết bị điện và nhiều tài sản khác bị hư hỏng.

Ngay sau khi mưa, lũ xảy ra, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tại các tỉnh miền núi phía bắc đã khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Với phương châm “bốn tại chỗ”, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã chỉ đạo chính quyền các xã bị thiệt hại do thiên tai, huy động hàng trăm dân quân, công an viên và nhân dân vùng bị thiên tai và khu vực lân cận hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.

Các xã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng, nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục thiệt hại về hạ tầng, khôi phục giao thông thông suốt nhanh nhất, kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở các vị trí nguy cơ thiên tai nguy hiểm để có phương án di chuyển gấp khi cần thiết... Ðến trưa 17/9, quốc lộ 70 và các tuyến giao thông liên xã đã thông đường; đời sống người dân được bảo đảm ổn định, sản xuất nông nghiệp đang được khôi phục.

Tỉnh Sơn La và các huyện ủy, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã trực tiếp chỉ đạo, huy động các lực lượng của huyện và cơ sở khắc phục hậu quả thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân vùng bị thiệt hại. Bà Ðinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Huyện cũng đã chỉ đạo thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, sập nhà cửa, các hộ có nguy cơ sạt lở cao. Các hộ bị cuốn trôi nhà, sạt lở nguy hiểm được hỗ trợ đến ở tạm tại các nhà văn hóa xã, bản và người thân trong gia đình.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Yên (Sơn La) Trịnh Thị Phượng cho biết: Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Giáo dục và Ðào tạo, Ủy ban nhân dân xã Tạ Khoa cùng nhà trường khảo sát, đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng ngập lụt trong mùa mưa. Trước mắt, khẩn trương khắc phục để các em sớm trở lại học tập.

Ông Ðào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, thông tin: Sở đã chỉ đạo các ban liên quan phối hợp các huyện duy trì tốt chế độ trực 24 giờ. Khi có mưa lớn xảy ra, các đơn vị tăng cường tuần đường, kiểm tra rà soát trên tuyến và báo cáo hằng ngày vào lúc 8 giờ sáng và 16 giờ chiều trên ứng dụng mạng xã hội để nắm bắt thông tin, chỉ đạo, giải quyết. Ðến thời điểm này, các khu vực bị sạt, sụt ta-luy dương gây ách tắc đã được thông xe.

Tỉnh Hà Giang đang huy động lực lượng tại chỗ giúp các gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, bị đất đá vùi lấp một phần thu dọn nhà cửa, đồ đạc đưa đến nơi an toàn; hỗ trợ ban đầu cho các gia đình mua sắm các vật dụng thiết yếu. Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thống kê hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, bị ảnh hưởng theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ vận dụng các chính sách hỗ trợ về nhà ở đang được triển khai trên địa bàn nhằm giúp các gia đình sớm có nhà mới ở nơi an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chỉ đạo người dân thu hoạch diện tích lúa đang bị ngập úng ngay khi nước rút. Ðối với diện tích lúa, ngô, hoa màu mất trắng hoặc bị đất đá vùi lấp thì sớm cải tạo, làm đất để trồng cây vụ đông.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-post715711.html