Khắc phục khâu yếu trong phòng, chống tham nhũng

Sáng nay, 13.9, trong chương trình làm việc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Trong báo cáo thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tư pháp nhận định: 'Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra'.

Đây là thực trạng không mới! Bởi cách đây đúng 1 năm, thực trạng này cũng được Ủy ban Tư pháp nhận định khi thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế. Một trong những hạn chế được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong nhiều kỳ báo cáo là khâu tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu.

Có một mâu thuẫn là, tình hình tham nhũng trong các năm luôn được nhận định là diễn biến phức tạp, song trên thực tế lại rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Đáng nói là, có những cơ quan, đơn vị dù không tự phát hiện nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại phát hiện có hành vi tham nhũng.

Tội phạm tham nhũng không dễ phát hiện, bởi chủ thể của tội phạm này chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn và có trình độ hiểu biết pháp luật. Hành vi mà các đối tượng thực hiện để đạt được mục đích vụ lợi có lúc chỉ là những câu nói, những chỉ đạo miệng, cũng có thể là những ám chỉ nên rất khó để chứng minh hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn hay động cơ vụ lợi. Do “độ ẩn” của loại tội phạm này rất cao, nên không có chuyên môn, nghiệp vụ rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể loại trừ nguyên nhân chủ quan trong việc người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hoặc có cả nguyên nhân từ việc người đứng đầu phớt lờ việc này vì nể nang hoặc cũng trót "nhúng chàm".

Việc tự phát hiện để phát hiện sớm, ngăn ngừa các hành vi tham nhũng xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của người đứng đầu. Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Coi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Quy định số 96-QÐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã đề cập tiêu chí đánh giá tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Điều này khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc đề cao trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ sở để xử lý, lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng đã có. Do đó, việc thực hiện nghiêm các quy định hiện hành sẽ chấm dứt tình trạng "tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn chưa chuyển biến". Không có lý do gì người đứng đầu để lọt hành vi tham nhũng mà vẫn “bình an vô sự”.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khac-phuc-khau-yeu-trong-phong-chong-tham-nhung-i342825/