Khắc phục khó khăn, củng cố và xây dựng mạng lưới y tế ngày càng vững mạnh

15 năm qua dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BYT, ngành Y tế Lai Châu đã từng bước khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vượt khó vươn lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, xây dựng mạng lưới y tế ngày càng vững mạnh.

Vượt khó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng

Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn; Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều bản vùng cao, vùng sâu còn hạn chế về nhận thức xã hội, điều kiện kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn nghèo nàn… Thêm vào đó, những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng tăng… Tất cả đã khiến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế Lai Châu gặp không ít khó khăn, thách thức.

Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng đội ngũ y bác sĩ Lai Châu đã cố gắng để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, những khó khăn ấy đã không thể làm khó những người làm công tác Y tế tỉnh Lai Châu. Ngành Y tế Lai Châu đã luôn quan tâm đầu tư mạng lưới y tế cơ sở, phát triển rộng khắp đến tận y tế thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong tỉnh được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đến 30/12/2018, có 108/108 trạm y tế xã/phường/thị trấn có nhà trạm, 71,3% Trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, trong đó có 15,7% trạm y tế có bác sỹ biên chế tại trạm; 86,11% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,18% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Tính đến hết năm 2018 có 81/108 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trang thiết bị máy móc về cơ bản đã đáp ứng được công tác khám chữa bệnh, khai thác sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư, đặc biệt các trang thiết bị lớn như máy chụp ARI, CT scanner, chạy thận nhân tạo, nội soi (Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện) hoặc các máy siêu âm, xét nghiệm huyết học, sinh hóa (tuyến xã). Cơ sở hạ tầng, hầu hết các đơn vị từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều đã được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn. Các cơ sở xuống cấp cũng đã được sửa chữa, nâng cấp kịp thời đáp ứng cơ bản cho các hoạt động chuyên môn.

TTƯT, BSCKII. Nguyễn Văn Đối GĐ SYT kiểm tra y tế cơ sở tại xã Giang Ma (Tam Đường).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu- điểm nhấn đáng tự hào

Nói đến những nỗ lực và thành công đáng tự hào của ngành Y tế Lai Châu 15 năm qua, không thể không nhắc tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu - đơn vị đi đầu về chất lượng khám chữa bệnh của tỉnh. Là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang gồm 450 giường bệnh, với 27 khoa, phòng, trang thiết bị máy móc đồng bộ và hoạt động tương đối ổn định, nguồn nhân lực cơ bản đã đáp ứng được các dịch vụ kỹ thuật đúng tuyến. Trên 80% dịch vụ kỹ thuật đúng tuyến và nhiều kỹ thuật cao đã được tiếp nhận và duy trì bền vững.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Bệnh viện đã tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời thu hút được nhiều bệnh nhân điều trị tại tỉnh như: Phẫu thuật AVF; Phẫu thuật ung thư vú; Phẫu thuật K tử cung; Phẫu thuật K buồng trứng; Phẫu thuật cố định cột sống thắt lưng bằng nẹp vít; Gói kỹ thuật Elisa chẩn đoán căn nguyên một số bệnh truyền nhiễm… Bệnh viện đã tiếp nhận 10 gói kỹ thuật từ Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 như: Kỹ thuật Phẫu thuật điều trị ổ cặn màng phổi, dầy dính màng phổi sau chấn thương ngực; Điều dưỡng chăm sóc người bệnh trước và sau mổ chấn thương - sọ não (BV Việt Đức); Phẫu thuật nội soi phụ khoa cơ bản; Cấp cứu hồi sức sơ sinh (BV Phụ sản T.Ư); phẫu thuật Nối thông động tĩnh mạch AVF (Bệnh viện E), Gói kỹ thuật Elisa chẩn đoán căn nguyên một số bệnh ký sinh trùng (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư)...

TTƯT, BSCKII. Nguyễn Văn Đối GĐ SYT kiểm tra y tế cơ sở tại xã Giang Ma (Tam Đường).

Bệnh viện cũng đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới thông qua Đề án 1816 và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu nhằm tăng khả năng tiếp cận, cập nhật các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện huyện. Thông qua đó, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tuyến huyện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp làm giảm chi phí cho người bệnh. Tăng cường khả năng phối hợp ứng phó tốt với dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Cụ thể như việc: Cử cán bộ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về chuyên môn, kịp thời cho TTYT huyện Tam đường 2 gói phẫu thuật kết hợp xương, 01 gói phẫu thuật viêm ruột thừa; Trung tâm Y tế Tân Uyên 01 ca chấn thương đường sinh dục dưới sau đẻ phức tạp...

Bệnh viện còn đặc biệt coi trọng công tác hợp tác quốc tế như phối hợp với BV Busan - Hàn Quốc tổ chức 01 lớp tập huấn quản lý truyền nhiễm, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế cho 80 bác sỹ, điều dưỡng, KTV của bệnh viện. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được Bệnh viện hết sức đề cao. Hiện Bệnh viện có 4 đề tài, 16 sáng kiến được Hội đồng thẩm định đề cương đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cấp cơ sở ngành Y tế Lai Châu công nhận. Đưa vào hoạt động có hiệu quả Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hệ thống máy thở trên xe cấp cứu 115 đảm bảo cho việc vận chuyển bệnh nhân được an toàn và hiệu quả.

Từ những nỗ lực, cố gắng đó mà nhiều năm trở lại đây, bệnh viện ngày càng thu hút đông người dân đến khám và chữa bệnh. Năm 2018 đã có tới 92.942 lượt khám bệnh, công suất sử dụng giường bệnh: 95,1%.

TTƯT, BSCKII. Nguyễn Văn Đối GĐ SYT kiểm tra y tế cơ sở tại xã Giang Ma (Tam Đường).

Chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực, đổi mới tổ chức bộ máy

Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng nguồn nhân lực thấp luôn là lực cản phát triển đối với ngành Y tế Lai Châu. Kể từ ngày chia tách và thành lập tỉnh mới năm 2004 đến nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế Lai Châu luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem việc phát triển nguồn nhân lực từ tuyến tỉnh đến y tế cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển ngành Y tế tỉnh. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từng giai đoạn và bổ sung hàng năm cho phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của các đơn vị trong toàn ngành, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, kế hoạch luân chuyển và bố trí sử dụng công chức, viên chức, quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, công chức viên chức trẻ có triển vọng. Kết quả đào tạo từ 2004 - 2019: Đã cử đi đào tạo 1.246 công chức viên chức. Qua kết quả đào tạo 15 năm, cho thấy chất lượng cán bộ của ngành y tế được nâng lên, số cán bộ có trình độ đại học, sau đại học ở các chuyên ngành ngày càng tăng, dần bổ sung số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ kỹ thuật mới về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, đổi mới tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới cũng được ngành y tế Lai Châu xem là nhiệm vụ rất quan trọng và hết sức cấp bách. Sở Y tế Lai Châu đã xây dựng các đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy cho phù hợp với quy định của trung ương, của tỉnh: Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lai Châu; Đề án thành lập Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cơ sở 2; Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám ĐKKV, Trạm y tế xã trực thuộc Sở Y tế được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tính đến ngày 15/5/2019, hệ thống y tế Lai Châu gồm: Văn phòng Sở, Chi cục VSATTP, Chi cục Dân số - KHHGĐ; 01 Bệnh viện đa khoa; 02 Bệnh viện chuyên khoa; 03 Trung tâm chuyên khoa; 01 Trường Trung cấp Y tế; 07 Trung tâm Y tế huyện (2 chức năng); 01 Trung tâm Y tế dự phòng thành phố; 08 Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thành phố; 04 Đơn nguyên điều trị nội trú; 108 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Có thể nói, việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đã đem lại hiệu quả: Bộ máy của ngành Y tế Lai Châu được tinh gọn, giảm đầu mối, hoạt động hiệu quả. Sau sắp xếp bộ máy của ngành Y tế đã giảm 13 đơn vị (tuyến tỉnh: giảm 06 trung tâm; tuyến huyện: giảm 07 phòng khám ĐKKV); có trên 80 biên chế được sắp xếp, bổ sung cho đơn vị trong ngành còn thiếu biên chế do sau chia tách chưa được bổ sung biên chế...

Để sắp xếp bộ máy của Ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả Sở Y tế đã hoàn thiện các đề án: đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố vào Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Đề án chia tách thành lập các khoa và đổi tên các khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đề án đổi tên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành Bệnh viện Phổi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việt Cường - Đào Vinh - Bá Quỳnh - Cảnh Võ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khac-phuc-kho-khan-cung-co-va-xay-dung-mang-luoi-y-te-ngay-cang-vung-manh-post63764.html