Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi xanh để ngành gỗ bứt tốc
Cùng với những khó khăn chung, ngành gỗ đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng từ các thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, do vậy cần tuân thủ yêu cầu tại các thị trường này với các điều kiện ngày càng cao và khắt khe. Cụ thể như tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT .
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hoàn thành trên 70% mục tiêu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 11 tháng đạt hơn 12 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mặt hàng này đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch 17 tỷ USD năm 2023.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của cả nước, gỗ là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong những tháng gần đây hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có xu hướng phục hồi tích cực.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, nhiều khách hàng Mỹ, châu Âu gặp khó ở thị trường Trung Quốc nên tìm kiếm thị trường khác, tìm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD. Mặc dù Việt Nam dù nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trung bình trên 16 tỷ USD/năm.
Chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của khách hàng
Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, do vậy cần tuân thủ yêu cầu tại các thị trường này với các điều kiện ngày càng cao và khắt khe. Cụ thể như tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT .
Thị trường Nhật yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,…
Các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp, tần suất của ngành gỗ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Trong đó, từ năm 2015-2019, ngành gỗ đối mặt với 2 vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 đến nay, ngành gỗ đối diện tới 5 vụ việc, trong đó có các vụ việc liên quan tại thị trường Mỹ, Canada.
Dẫn thông tin từ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam nhận định, trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp ngành gỗ, cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Để làm được việc này, Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn cho các doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam. Đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết net zero trong ngành gỗ. Về vấn đề này, ông Lập cho rằng, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ngành đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết net zer. Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải cacbon. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường.
Khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là gì?
Theo bà Lương Kim Anh, chuyên gia từ tổ chức Forest Trends, hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn trong việc đáp ứng với yêu cầu của EUDR. Do Chính phủ đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, các diện tích mới chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng tự nhiên sang rừng trồng chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, việc chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết. Ngoài ra, vẫn tồn tại một số ít diện tích canh tác nằm gần rừng, chồng lấn hoặc xen kẽ trong khu vực rừng tự nhiên cần được cơ quan chức năng rà soát lại.
Một đặc điểm gây khó khăn khác là chuỗi cung có sự tham gia của nhiều hộ tiểu điền với diện tích canh tác nhỏ, manh mún, chủ yếu là dưới 1 ha, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hoặc nếu có thì chỉ giới đất ghi trên sổ đỏ lại không khớp với thực tế. Điều này dẫn đến việc giao dịch mua bán gỗ rừng trồng mang tính phi chính thức và chủ yếu ưu tiên các tiêu chí như chất lượng sản phẩm và giá cả còn các yêu cầu về pháp lý như bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm, về các giao dịch (ví dụ thuế, phí) thường bị bỏ qua.
Tình trạng không chính thống trong giao dịch giữa thương lái và nông hộ đòi hỏi sự chuyển đổi thành các giao dịch chính thống, với 2 bên tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ Việt Nam đối với các giao dịch này. Điều này sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu của EUDR về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát chuỗi cung.
Ngoài ra, tuy EU chưa quy định cụ thể về các hệ tọa độ viễn thám nào sẽ được chấp nhận, các cơ quan quản lý ở phía Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu vấn đề này để kịp thời hỗ trợ các hộ nếu cần.
"Trong khi chờ đợi Chính phủ rà soát chuỗi cung của ngành, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần nhanh chóng kiểm tra lại chuỗi cung ứng của mình, kết hợp với chính quyền địa phương và các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ để đánh giá và kiểm tra khả năng đáp ứng quy định EUDR của chuỗi cung hiện tại. Việc đánh giá cũng cần xác định những tồn tại của chuỗi. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể xác định các khoảng trống và xây dựng phương án khắc phục", bà Kim Anh đánh giá.
Việc đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng đòi hỏi doanh nghiệp tổ chức lại chuỗi cung ứng, đặc biệt là chính thức hóa giao dịch giữa các hộ và hệ thống thương lái. Việc chính thức hóa giao dịch này đòi hỏi đơn giản hóa các quy định, thủ tục tại các khâu do các yêu cầu này hiện quá phức tạp, vượt xa khả năng của các bên tham gia.
Cắt ngắn chuỗi cung ứng thông qua thiết lập liên kết giữa hộ và công ty chế biến gỗ trong các dự án xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững là một trong những hướng đi tốt để thực hiện việc đơn giản hóa chuỗi. Việc hình thành vùng nguyên liệu bền vững, xây dựng liên kết giữa công ty và hộ cần đảm bảo rằng lợi ích kinh tế mà hộ thu được từ các sản phẩm có chứng chỉ sẽ bù đắp thỏa đáng cho phần chí phí đầu vào của hộ, đặc biệt là chi phí về lao động.
Là một trong những bên chủ chốt tham gia chuỗi cung, doanh nghiệp cần hỗ trợ các hộ tiểu điền trong việc tham gia các hoạt động sản xuất gỗ bền vững, có chứng chỉ. Chính quyền cũng nên có những cơ chế chính sách, khuyến khích nông hộ và doanh nghiệp tham gia các hoạt động này. Ví dụ, chính quyền địa phương nên tích cực tham gia giải quyết các tồn tại về đất đai, xác định mối liên hệ giữa rủi ro về mất rừng và hoạt động sản xuất của hộ và doanh nghiệp.