Khắc phục khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sốTin khácPhát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vữngLập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh: Điểm nhấn từ phong trào thi đua đặc

Nhân viên Viettelpost hướng dẫn người dân bán hàng trên sàn thương mại voso.vn

– Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị vốn có. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chuyển đổi số được triển khai dựa trên 4 trụ cột chính gồm: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và cửa khẩu số. Tuy còn nhiều khó khăn song cả bộ máy chính trị đã và đang tích cực vào cuộc.

Toàn tỉnh hiện còn 268 thôn, bản chưa có sóng di động 3G, 4G ; 405 thôn, bản chưa có hạ tầng cung cấp dịch vụ internet băng rộng. Điều này khiến người dân gặp khó khăn khi sử dụng các ứng dụng hoặc trao đổi thông tin, tham khảo hoặc tham gia phát triển kinh tế số. Đồng thời, chuyển đổi số là điều chưa có tiền lệ, do đó, để thay đổi nhận thức, thói quen từ cách làm truyền thống sang ứng dụng công nghệ số trên không gian mạng của người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số là hết sức quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, UBND tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tổng thế, toàn diện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định quan điểm, mục tiêu tổng thể, toàn diện, nhất quán và đề ra những giải pháp khả thi để thực hiện trong thời gian tới.

Nhân viên Viettelpost vận chuyển các đơn hàng của nông dân huyện Chi Lăng đến tay người tiêu dùng

Nhân viên Viettelpost vận chuyển các đơn hàng của nông dân huyện Chi Lăng đến tay người tiêu dùng

Trên tinh thần đó, ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những giải pháp tổng thể và toàn diện để gắn kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số, tài khoản điện tử đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để triển khai phát triển hạ tầng số đến 100% thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có hạ tầng viễn thông di động 3G, 4G và hạ tầng dịch vụ internet băng rộng, giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất, báo cáo Bộ TT&TT hỗ trợ kinh phí triển khai từ Chương trình viễn thông công ích thực hiện ngay trong năm 2021. Trước mắt, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai (địa bàn triển khai chia theo thị phần của doanh nghiệp), đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ TT&TT. Công tác tuyên truyền về chuyền đổi số cũng được sở tăng cường thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, bản, các tổ công nghệ cộng đồng… Cùng đó, trang thông tin điện tử của sở được chuyển thành trang thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn, tạo kênh thông tin chính thống tuyên truyền về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, hạ tầng số…

Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là hoạt động phát triển kinh tế số, toàn tỉnh đã có 68.311 cửa hàng số của hộ gia đình, 57.973 tài khoản thanh toán điện tử, thành lập 2.312 tổ công nghệ cộng đồng với 6.936 thành viên. Tại các sàn thương mại điện tử đã có hơn 6.000 đơn hàng giao dịch thành công. Bước đầu tạo thói quen cho người dân trên địa bàn tỉnh trong tiêu dùng và thanh toán. Cùng với đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh cũng từng bước ứng dụng công nghệ số vào tổng thể công tác quản lý hoạt động, tự động hóa quy trình, giảm thời gian thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, công khai, minh bạch, tránh ùn tắc hàng hóa và tiêu cực trong công tác quản lý.

Về chính quyền số, tỉnh đã triển khai 1.030 dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 ngày 6/6/2021 (hoàn thành trước thời hạn 7 tháng), theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Về xã hội số, các sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ vào phục vụ nhiệm vụ tại cơ quan đơn vị. Cụ thể như: ngành y tế triển khai hỗ trợ 100% bệnh viện tuyến huyện hệ thống hội chẩn từ xa (Telehealth-Viettel), góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ứng dụng nền tảng tiêm chủng COVID-19, ngành y tế đã nhanh chóng thông báo kế hoạch, lịch tiêm cho người dân và cung cấp số liệu chính xác cho cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, bản đồ số cũng được xây dựng giúp người dân biết được tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo thời gian thực…

Theo xếp hạng của Bộ TT&TT, tỉnh Lạng Sơn đang xếp thứ 16 về chuyển đổi số, trong đó, kinh tế số xếp thứ 8, chính quyền số xếp thứ 18, xã hội số xếp thứ 24. Thời gian tới, chương trình tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và Chỉ đạo điều hành, phục vụ tốt các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh

Các cấp, ngành tích cực triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số

– Các ngành chức năng, địa phương hiện đang tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng văn minh, hiện đại. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Lạng Sơn đã trao đổi với một số lãnh đạo các đơn vị, địa phương.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Tăng cường chuyển đổi số trong công tác giáo dục”.

Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo không chỉ là số hóa bài giảng, ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy mà còn là sự chuyển đổi cách thức, phương pháp giảng dạy, học và phương pháp quản lý của toàn ngành. Để thực hiện việc chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị mới cho cả người học, người giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Đến thời điểm này, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% (674/674 trường học) các trường học ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và dạy học. Dự kiến trong tháng 11/2021, sẽ hoàn thành 100% việc cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên.

Cùng với đó, sở đã tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo cho lực lượng nòng cốt của trường (mỗi trường ít nhất 5 người, trong đó có 1 cán bộ công nghệ thông tin và 1 lãnh đạo nhà trường) để sẵn sàng đào tạo, đào tạo lại cho giáo viên trong trường sử dụng và duy trì hoạt động của phần mềm, các ứng dụng chuyển đổi số.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng: “Chuyển đổi kinh tế số để nâng tầm thương hiệu của sản phẩm nông sản.”

Huyện Chi Lăng là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức triển khai chuyển đổi kinh tế số. Với mục tiêu “kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn”, Chi Lăng đã chọn quả na là sản phẩm đầu tiên triển khai thí điểm kinh tế số trong nông nghiệp. Thông qua 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn), các bước đăng bán hàng, nhận tiền hàng đều được thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh. Theo đó, đã tạo được không gian phát triển mới và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp có thêm nhiều khởi sắc. Ứng dụng kinh tế số được coi là bước đột phá khi tạo ra một không gian thị trường không giới hạn cho nông sản. Những loại nông sản, đặc sản có thế mạnh của địa phương như: na, rau bò khai, lạp sườn hun khói ăn liền, cao khô Vạn Linh… thông qua các sàn thương mại điện tử đã đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh: “Chuyển đổi số để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”.

ừ khi Trung tâm Phục vụ Hành chính công đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm số hóa để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay, công tác giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nhanh gọn, hiệu quả. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ hồ sơ các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh tiếp nhận trực tuyến đạt trên 45% tổng hồ sơ đã tiếp nhận, tăng cả số lượng và chất lượng so với những năm trước. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Từ những ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính đã tác động mạnh mẽ đến các chỉ số đánh giá về xây dựng môi trường kinh doanh, theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Trung tâm thí điểm trợ lý ảo với mục tiêu hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực công tác và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/458819-khac-phuc-kho-khan-tung-buoc-hoan-thanh-muc-tieu-chuyen-doi-so.html