Khắc phục khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành hữu quan do Bộ Y tế chủ trì sẽ tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý rõ ràng, chặt chẽ đối với thuốc lá điện tử để khắc phục khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, đấu tranh, xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm về thuốc lá điện tử

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, đấu tranh, xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm về thuốc lá điện tử

Chiều 4/6, tại phiên chất vấn ở Quốc hội, một số ý kiến đại biểu nêu vấn đề, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua môi trường không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong quản lý thị trường về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

"Sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành. Do vậy, thời gian vừa qua đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, đấu tranh, xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm trong thời gian vừa qua.

Bô trưởng liệt kê một số vụ việc như lực lượng Quản lý thị trường Hà Nam đã thu giữ hơn 108 nghìn sản phẩm; Quản lý thị trường Bắc Ninh thu giữ 103 nghìn sản phẩm; tại Hà Nội lực lượng Quản lý thị trường cũng thu giữ hơn 11 nghìn sản phẩm… điều đó cho thấy tình trạng vi phạm rất nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành hữu quan do Bộ Y tế chủ trì sẽ tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý rõ ràng, chặt chẽ đối với thuốc lá điện tử để khắc phục khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tạo cơ sở để các ban, ngành địa phương thực hiện một cách đồng bộ, có căn cứ pháp luật; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tăng cường xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp chặt chẽ các lực lượng như: Ban chỉ đạo 389, Hải quan, biên phòng, chính quyền địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 47 ngày 13/5/2024 để quản lý tốt thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ngoài ra, các vi phạm đối với thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử chủ yếu là nhập lậu, do vậy lực lượng chức năng cần ngăn chặn ngay từ biên giới. Bởi, nếu khi nhập lậu rồi việc quản lý sẽ khó khăn hơn.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt đến với các đối tượng yếu thế, đối tượng là trẻ em, học sinh. Xem xét đưa vào chương trình giảng dạy tại nhà trường về tác hại của thuốc lá điện tử, những quy định cấm của pháp luật, các chế tài xử lý.

Đặc biệt, cần huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá và quản lý con em mình. Đồng thời, phải đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý địa bàn.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khac-phuc-khoang-trong-phap-ly-trong-quan-ly-thuoc-la-dien-tu-102240604170020822.htm