Khắc phục 'lực cản' trong xây dựng nông thôn mới

ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Tuần Giáo đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng. Bức tranh tổng thể về NTM ở các xã vùng sâu, vùng xa đã dần thay da đổi thịt, kết cấu hạ tầng, giao thông từng bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, đủ đầy hơn. Tuy nhiên, tới nay huyện Tuần Giáo vẫn chưa có xã nào chính thức 'cán đích' NTM, điều này đòi hỏi sự quyết tâm, 'chung sức đồng lòng' của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Công ty TNHH Tân Cương Điện Biên thi công tuyến đường nông thôn mới từ trung tâm xã Phình Sáng đến bản Khua Chá.

“Nút thắt” về hộ nghèo và thu nhập

Cách đây gần 10 năm (8/2012), xã Pú Xi được thành lập trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Thời điểm “ra ở riêng”, điều lớn nhất mà xã Pú Xi được kế thừa là sự nghèo đói, cơ cực. Từ tỷ lệ hộ nghèo gần 90%, sau gần 10 năm nỗ lực dựng xây, đến nay xã Pú Xi vẫn còn 71,9% hộ nghèo (năm 2021), trung bình giảm chưa đầy 2%/năm. Ông Lò Văn Thang, Chủ tịch UBND xã Pú Xi giãi bày: Với phương châm “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, đến nay sau nhiều năm nỗ lực, xã Pú Xi đã có 6/19 tiêu chí về xây dựng NTM: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, thủy lợi, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất. 13 tiêu chí còn lại rất khó thực hiện. Đặc biệt, hiện nay “nút thắt” lớn nhất với cấp ủy, chính quyền xã là thực hiện các tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% và thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm (theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM) được xã nhận định là nhiệm vụ bất khả thi.

Lý giải về nguyên nhân, ông Lò Văn Thang tiếp lời: Là xã “em út” của huyện, dù được Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư nhiều chương trình, dự án hỗ trợ về cây, con giống, nông cụ sản xuất, làm đường giao thông... nhưng bức tranh NTM của xã khá ảm đạm, nhất là trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng du canh du cư, thiếu đất sản xuất, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, “tự cung tự cấp” khiến kinh tế luôn giậm chân tại chỗ, dẫn tới việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hơn nữa, dù đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng do ý thức thoát nghèo chưa cao, một bộ phận còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên nỗ lực thoát nghèo của xã càng xa vời.

Không chỉ các xã vùng cao, vùng sâu (Pú Xi, Phình Sáng, Ta Ma...) mới vấp phải lực cản từ tiêu chí hộ nghèo và thu nhập mà ngay cả những xã điểm trong xây dựng NTM của huyện (Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở...) cũng đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán này. Đơn cử như xã Quài Cang, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 25,37%, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Ông Lò Văn Khuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Quài Cang đã “cán đích” 17/19 tiêu chí về xây dựng NTM, được UBND tỉnh công nhận cơ bản đạt NTM. Tuy nhiên, cũng như nhiều xã khác, hiện tiêu chí hộ nghèo và thu nhập cũng đang là “rào cản” không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM của xã. Theo ông Lò Văn Khuyên, giai đoạn 2020 - 2025, trọng tâm là 3 năm tới, để có thể giải quyết dứt điểm tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, cán đích NTM, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, hỗ trợ lao động học nghề và tìm kiếm việc làm... Hiện toàn xã trồng 800ha cây mắc ca (224.000 cây); 41ha cây cà phê; tổng sản lượng lương thực ước đạt 2.969 tấn. Đặc biệt hiện xã có hơn 30 lao động đi làm việc tại các doạnh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh (thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng). Nhờ đó từng bước cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao mức thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần đưa Quài Cang về đích NTM theo đúng lộ trình đề ra.

Những giải pháp căn cơ

Từ số tiêu chí bình quân/xã là 2,1 tiêu chí (năm 2010), sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện Tuần Giáo có 9/18 xã cơ bản đạt 15 - 18 tiêu chí. Trong đó, 4 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã cơ bản đạt NTM (Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Mường Thín); xã Nà Sáy hiện đang đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận cơ bản đạt 15 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, hiện nay Tuần Giáo chưa có xã nào cán đích tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 11 (hộ nghèo).

Ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện có 3/18 xã đạt chuẩn NTM; 9 xã cơ bản đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 50% số bản đạt chuẩn NTM, 20% số bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để có thể đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp căn cơ đã được cấp ủy, chính quyền huyện đưa lên bàn nghị sự. Ông Vũ Văn Đức cũng khẳng định: “Đây không phải là việc làm một sớm một chiều mà đòi hỏi cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo phải đưa ra nhiều quyết sách lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng xã; nhất là sử dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư, tập trung vào những hạng mục có tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển toàn diện của người dân.

Cùng với đó, huyện phối hợp các đơn vị chuyên ngành xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào: Đường giao thông, cấp điện, thông tin, viễn thông... khuyến khích các hộ gia đình mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người huyện Tuần Giáo đạt 28,5 triệu đồng/người/năm (tính khu vực nông thôn). Xác định những khó khăn, huyện Tuần Giáo đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn, có giá trị kinh tế cao; tổ chức rà soát, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, phù hợp với địa phương để hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Thực hiện chủ trương này, huyện Tuần Giáo đã lồng ghép các nguồn vốn NTM, 30a, 135/CP, nguồn vốn theo Quyết định 45, Quyết định 14 của tỉnh... Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phê duyệt nhiều dự án liên kết chuỗi sản xuất cây ăn quả… Đến nay toàn huyện có khoảng 250ha cây ăn quả. Các dự án đều được triển khai theo mô hình khép kín, với liên kết 3 nhà (nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp); phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện sẽ trồng 1.000ha cây ăn quả, 100% các dự án đều theo chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, huyện cũng chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, chú trọng phát triển cây công nghiệp theo hướng mở rộng quy mô diện tích ở những vùng có điều kiện. Phấn đấu đến cuối năm 2025, huyện Tuần Giáo đạt mức thu nhập bình quân 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 25% góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo theo lộ trình đề ra.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186490/khac-phuc-%E2%80%9Cluc-can%E2%80%9D-trong-xay-dung-nong-thon-moi