Khắc phục tâm lý 'sợ trách nhiệm' !
Hiện tượng 'sợ sai', 'sợ trách nhiệm' trong cán bộ, đảng viên... đã không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm. Câu chuyện 'sợ sai', 'sợ trách nhiệm'... hoàn toàn trái ngược với phẩm chất 'sáu dám' - một đòi hỏi khách quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước nhanh, bền vững và là một yêu cầu quan trọng khẳng định rõ nhân cách của người cán bộ, đảng viên...
Nguyên nhân của tình trạng “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, cái gì cũng dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán (dù đó là trách nhiệm của mình) là hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ở mức độ thấp, họ là những người muốn được yên thân, chọn lối sống an phận và hưởng thụ, mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, trải qua nhiều cương vị nhưng đã “nhúng chàm” với nhiều “tai tiếng”. Họ hầu hết không dám làm, không dám nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng... Ở một dạng nữa, họ là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao hoặc làm việc không đạt hiệu suất cao với tư tưởng trông chờ, ỉ lại và dựa dẫm...
Tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”... là thực trạng rất đáng đáng quan tâm. Cần quyết tâm tháo gỡ bằng những giải pháp căn cơ, quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho những người tâm huyết, đặc biệt là người đứng đầu, phát huy được phẩm chất “sáu dám” trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đảng, Nhà nước cũng dần xác định và xác lập hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”... trong thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền...
Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo... vì lợi ích chung là những biểu hiện tiêu biểu nhất của chuẩn mực đạo đức, là phẩm chất cao quý, là đòi hỏi khách quan của mỗi cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới hiện nay. Điều này mỗi chi bộ, từng cá nhân... cần thường xuyên giáo dục, nhắc nhở và rèn luyện, để từ đó xây dựng được nhiều hơn các chi bộ tiêu biểu, các đảng viên xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và sự vững mạnh của Đảng.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/khac-phuc-tam-ly-so-trach-nhiem/201729.htm