Khắc phục táo bón sau hóa trị ở bệnh nhân ung thư

Táo bón sau hóa trị luôn là nỗi lo lắng của nhiều bệnh nhân ung thư. Là một trong những biến chứng thường gặp nhất sau hóa trị, táo bón ảnh hưởng thêm tới chất lượng sống của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây táo bón sau hóa trị

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố gây táo bón ở bệnh nhân sau hóa trị. Nói chung, các yếu tố sau đây là nguyên nhân chính:

- Phản ứng có hại của thuốc trong quá trình hóa trị: Các loại thuốc hóa trị và chất chuyển hóa của chúng gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và 5-hydroxytryptamine (5-HT) được giải phóng là chất dẫn truyền thần kinh chính gây ra phản xạ nôn trớ. Vì vậy, thuốc chống nôn thường được bác sĩ cân nhắc sử dụng cho người bệnh.

Trên lâm sàng, các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm ondansetron, tropisetron... giúp giảm đáng kể các phản ứng đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn ở bệnh nhân và cải thiện khả năng điều trị khối u.

Tuy nhiên, mặc dù thuốc chống nôn có hiệu quả nhưng chúng cũng sẽ làm giảm nhu động của đường tiêu hóa, làm chậm thời gian vận chuyển của ruột, giảm tiết dịch ruột.

Ngoài ra, do tác động lên hệ thần kinh trung ương nên cũng sẽ làm suy yếu ý thức đại tiện của người bệnh, dẫn đến táo bón.

Táo bón sau hóa trị luôn là nỗi lo lắng của nhiều bệnh nhân ung thư.

Táo bón sau hóa trị luôn là nỗi lo lắng của nhiều bệnh nhân ung thư.

- Chế độ ăn uống: Bệnh nhân hóa trị thường bị chán ăn sau khi điều trị. Ăn quá ít, chế độ ăn quá hạn chế và uống ít nước đều là những yếu tố quan trọng gây ra táo bón. Ăn ít sẽ không thể sản xuất đủ dung tích phân, việc đại tiện sẽ giảm và táo bón sẽ xảy ra.

- Yếu tố vận động và tâm lý: Bệnh nhân hóa trị thường có thể chất yếu, giảm hoạt động, tinh thần và tâm lý kém, làm thay đổi thói quen đại tiện. Đây đều là những yếu tố khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.

2. Làm gì để cải thiện táo bón sau hóa trị?

- Điều trị không dùng thuốc: Chủ yếu bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi lối sống. Tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ như ngũ cốc, trái cây và rau quả… Uống thêm nước lọc hoặc nước trái cây, ăn thêm sữa chua, các thực phẩm khác để tăng nhu động ruột và xây dựng thời gian đại tiện cố định.

Đừng bỏ qua việc tập thể dục ngay cả trong quá trình hóa trị. Chọn các bài tập thể chất phù hợp, như đi bộ, cũng có thể thực hiện massage bụng trong vòng nửa giờ sau bữa ăn, mỗi lần 10 phút và massage theo chuyển động tròn theo chiều kim đồng hồ.

Thông thường các thuốc điều trị táo bón nên dùng bằng đường uống.

Thông thường các thuốc điều trị táo bón nên dùng bằng đường uống.

- Điều trị bằng thuốc: Nếu áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc kể trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ điều trị có thể cân nhắc việc dùng thuốc. Thuốc táo bón có thể được lựa chọn tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng táo bón. Các loại thuốc điều trị táo bón hiện nay được chia thành thuốc nhuận tràng tạo khối, thuốc thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích, thuốc làm mềm phân.

Thông thường các thuốc điều trị táo bón nên dùng bằng đường uống. Việc sử dụng quá nhiều thuốc đạn và thuốc xổ có thể dẫn đến viêm ruột.

Cũng cần lưu ý, sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng nồng độ muối và khoáng chất trong cơ thể. Sử dụng thuốc nhuận tràng lâu dài có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc, giảm chức năng đường ruột. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

DS. Nguyễn Hải Đăng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-tao-bon-sau-hoa-tri-o-benh-nhan-ung-thu-169240526225418832.htm