Khắc phục tình trạng 'nhạt Đảng' trong sinh viên - Bài 4: Củng cố niềm tin cho thế hệ trẻ

Cả nước hiện có hơn 1,5 triệu sinh viên, đây là lực lượng dự bị hùng hậu, có chất lượng để bổ sung đảng viên cho Đảng ta. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong sinh viên là góp phần xây dựng nguồn nhân lực phát triển toàn diện "vừa hồng, vừa chuyên", có lòng yêu nước nồng nàn, có lý tưởng cách mạng, ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do đó, tăng cường các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên nhằm khắc phục triệt tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Chúng tôi có trao đổi với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT để làm rõ vấn đề này.

ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT

ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên là nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, công tác này đã được triển khai ra sao?

* ÔNG BÙI VĂN LINH: Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn coi Công tác phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức Đảng, đặc biệt là trong các trường học. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển đảng viên theo đúng quy định, chú ý những người ưu tú trong công nhân, đội ngũ trí thức, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…”.

Đặc biệt, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” đã đề ra nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành tích cực tạo nguồn, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhất là ở những cơ sở hiện còn ít hoặc chưa có đảng viên.

Tiếp đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã đề ra nhiệm vụ “coi trọng công tác phát triển Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học". Ngày 24-3-2015, Ban Chấp hành Trung ương có Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.

Trên cơ sở các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020", trong đó đề ra chỉ tiêu "giới thiệu cho Đảng 300.000 đoàn viên ưu tú, trong đó có ít nhất 100.000 đảng viên trẻ được kết nạp" giai đoạn 5 năm 2015-2020.

Có thể nói, ngành giáo dục luôn chú trọng chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh - sinh viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tại các trường đại học, Phòng Công tác chính trị được thành lập, và đầu khóa học, đầu năm học, bao giờ các trường cũng triển khai “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên”.

Hoạt động này đã giúp cung cấp thông tin thời sự, chủ trương, chính sách cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời để kịp thời nắm bắt những phản ánh về tình hình tư tưởng của sinh viên. Các trường cũng thường xuyên mời các báo cáo viên đến báo cáo tình hình thời sự, nói chuyện chuyên đề giúp sinh viên nắm bắt kịp thời những thông tin mới, cập nhật đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu rõ âm mưu “Diễn biến hòa bình” và thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Song song đó, các hoạt động phối hợp giữa ngành giáo dục với Trung ương Đoàn đã phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường, tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với lứa tuổi sinh viên có điều kiện tu dưỡng, rèn luyện. Thông qua đó, nhiều sinh viên đã phấn đấu trở thành đảng viên. Chúng ta lựa chọn những người ưu tú, có nguyện vọng phấn đấu lên Đảng được kết nạp.

Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa các mặt rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của sinh viên thành các tiêu chí đánh giá trong Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên. Chú trọng công tác phát triển đảng viên trong sinh viên và coi việc phấn đấu trở thành đảng viên của sinh viên là đỉnh cao của kết quả rèn luyện. Nhiều sinh viên mong muốn phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng và có tâm huyết vươn lên Đảng.

* Từng đi kiểm tra công tác phát triển đảng viên ở nhiều trường đại học, ông thấy các trường đã học đã chủ động phát triển Đảng cho sinh viên hay chưa?

* Nhiều đảng ủy trường đại học, cao đẳng đã chủ động tạo nguồn đảng viên ngay từ khi sinh viên mới vào trường. Họ lựa chọn những em khi còn học ở phổ thông liên tục là học sinh khá giỏi và tham gia công tác cán bộ lớp, cán bộ Đoàn nhiều năm để tiếp tục thử thách, bồi dưỡng kết nạp đảng ngay từ năm thứ hai, thứ ba, bồi dưỡng, phấn đấu trở thành đảng viên ngay từ khi đang học trong trường.

Đây là những hạt nhân thúc đẩy phong trào sinh viên, là những tấm gương “người thật, việc thật” tạo động lực cho các sinh viên khác phấn đấu gia nhập vào hàng ngũ của Đảng. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho quần chúng ưu tú được tổ chức ở hầu hết các cơ sở Đảng.

Trong thời gian qua, số lượng đảng viên sinh viên được kết nạp tăng ở nhiều trường, nhất là từ năm 2007, 2008 đến nay. Nhiều đảng viên mới được kết nạp phát huy được tính tiên phong gương mẫu, cơ cấu đảng viên mới kết nạp có bước phát triển theo chiều hướng tích cực. Do đó, đã góp phần tăng thêm sức chiến đấu, đảm bảo tính kế thừa phát triển của Đảng trong nhà trường, thúc đẩy việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Khi ghi nhận thực tế ở nhiều trường đại học, chúng tôi nhận thấy công tác phát triển đảng viên trong sinh viên còn một số khó khăn. Bộ GD-ĐT đánh giá tình hình ra sao?

* Đúng là công tác phát triển đảng viên trong sinh viên còn một số khó khăn, hạn chế. Đơn cử như còn một bộ phận cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị khóa VIII về “tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học”, còn lúng túng trong xác định mục tiêu phương hướng kết nạp đảng viên, chậm đề ra các nội dung và giải pháp thực hiện. Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nguồn kết nạp đảng viên, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên chưa đầy đủ, nề nếp.

Các thủ tục kết nạp đảng viên, việc theo dõi và chuyển kết nạp chính thức cho các đảng viên là sinh viên sau tốt nghiệp gặp khó khăn. Tiêu chí học tập - rèn luyện để kết nạp đối với sinh viên chưa hoàn thiện (mới có một số trường đại học làm tốt như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội..).

Cùng với đó, thủ tục thẩm tra xác minh lý lịch cho sinh viên còn bị nhiều hạn chế về thời gian, nhất là đối với những lý lịch cần phải thẩm tra ở nhiều nơi. Chủ yếu là gặp vướng mắc khi lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú tại các phường, xã do việc sinh hoạt và học tập của sinh viên chủ yếu tại trường.

Đối với sinh viên ở trọ bên ngoài trường thường hay thay đổi chỗ ở, nơi khai lý lịch là nơi mới chuyển đến vài tháng nên rất khó khăn khi xin nhận xét của chi ủy chi bộ nơi cư trú. Đặc biệt có trường hợp chi ủy chi bộ nơi cư trú không có ý kiến nhận xét với lý do vì thời gian ở ngắn hoặc do quần chúng đi học suốt ngày, chưa thực sự tham gia tốt các hoạt động đoàn thể tại địa phương nơi.

* Như vậy, để khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh phát triển đảng viên trong thời gian tới, cần chú trọng giải pháp nào, thưa ông?

* Để triển khai công tác hiệu quả hơn công tác phát triển đảng viên trong sinh viên thời gian tới, bên cạnh việc tạo thuận lợi về sinh hoạt Đảng cho sinh viên sau tốt nghiệp, chúng ta cần đánh giá thực trạng công tác phát triển đảng viên trong sinh viên hiện nay. Làm rõ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể nhằm tăng cường công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong sinh viên.

Chúng ta cần ưu tiên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho sinh viên để góp phần quan trọng ổn định xã hội, thấm nhuần đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Củng cố niềm tin tuyệt đối cho thế hệ trẻ kiên định đi theo con đường của Đảng.

Việc đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong sinh viên, đoàn viên hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng và củng cố lực lượng lãnh đạo trẻ tiên phong, xung kích trong việc xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước. Đảng ủy các trường đại học cần phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên để đảm bảo hai tổ chức này luôn là cầu nối đáng tin cậy giữa sinh viên - đoàn viên và tổ chức Đảng.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội:

Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng quan tâm, tạo điều kiện cho các đối tượng học sinh - sinh viên đã học lớp cảm tình đảng trong các trường phổ thông tiếp tục phấn đấu và rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Song song đó, các trường cần cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc giáo dục, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc giảng dạy tích hợp nội dung “Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với giảng dạy nội dung giáo dục đạo đức, công dân cho sinh viên.

Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Giáo dục Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Nghệ An:

Phát triển đảng viên trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tìm ra những nhân tố tích cực để “ươm mầm” bồi dưỡng, kết nạp, tăng cường sức trẻ, sức chiến đấu cho Đảng, để xây dựng tổ chức cơ sở đảng nhà trường trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Nhưng hiện nay, ở một số cơ sở giáo dục, việc triển khai thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, nhà trường còn nặng về dạy văn hóa, chưa tổ chức được nhiều hoạt động, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.

Do đó, cần đưa tiêu chí phát triển đảng viên là sinh viên vào nghị quyết hàng năm của Chi bộ các trường học. Thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với sinh viên trong nhà trường. Tôn vinh những tấm gương tiêu biểu và nhân rộng điển hình tiên tiến, từ đó, sẽ tạo khí thế thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện và tham gia các phong trào tập thể của đông đảo sinh viên.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương):

Việc đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong sinh viên hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng và củng cố lực lượng lãnh đạo trẻ tiên phong, xung kích trong việc xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước. Đảng ủy các trường đại học cần phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên để đảm bảo hai tổ chức này luôn là cầu nối đáng tin cậy giữa sinh viên – đoàn viên và tổ chức Đảng.

LÂM NGUYÊN - MINH DUY - CHIẾN DŨNG, Đồ họa: HỮU VI - MINH THƯ, Video: ĐÌNH DƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khac-phuc-tinh-trang-nhat-dang-trong-sinh-vien-bai-4-cung-co-niem-tin-cho-the-he-tre-625607.html