KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG SỞ HỮU CHÉO CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ 'NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN' VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN

Một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng lần này là làm sao chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan, tương ứng 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Tuy nhiên, TS Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng không có nhiều ý nghĩa, quan trọng là quy định chặt hơn một số vấn đề như 'Người có liên quan tại các định chế tài chính' hay quy định về công bố thông tin

Phóng viên: Thưa ông, hiện quy định “người có liên quan tại định chế tài chính” trong Luật các tổ chức tín dụng đang chưa đồng bộ với Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Vậy vấn đề này có liên quan gì tới sở hữu chéo ngân hàng không thưa ông?

TS Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

TS Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

TS Vũ Nhữ Thăng: Mặc dù theo luật TCTD đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của TCTD và giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế, các cổ đông có thể đã sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các định chế tài chính/TCTD, như Cổ đông sử dụng mô hình “cá nhân và công ty TNHH một thành viên do cá nhân đó làm chủ” hoặc “cá nhân và CTCP chưa niêm yết với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó trên 65%[1]”. Thông qua người có liên quan và mối quan hệ thành viên gia đình nhưng không bị giới hạn bởi quy định của người có liên quan tại luật TCTD. Cụ thể, theo quy định tại điểm d Khoản 28 Điều 4 Luật TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì người có liên quan là “cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người này” tuy nhiên một số cổ đông đang thông qua các mối quan hệ thành viên gia đình (đến hàng cháu) hoặc các công ty có các cá nhân (đến hàng cháu) đang làm chủ để gia tăng cổ phần tại các TCTD. Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu thực tế tại TCTD, chính là gián tiếp chi phối hoạt động của TCTD phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức, có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với TCTD

Phóng viên: Vậy như ông phân tích, thì việc ngầm phát sinh những quan hệ sở hữu cổ phần gián tiếp như vậy sẽ gây nên hệ lụy gì khi trong Luật TCTD thiếu quy định về công bố thông tin?

TS Vũ Nhữ Thăng: Theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 118 Luật Chứng khoán 2019: “Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng” thuộc đối tượng công bố thông tin. Tuy nhiên, quan hệ sở hữu cổ phần gián tiếp nói trên khiến cho công tác xác định thông tin về người có liên quan gặp khó khăn khi các công ty có xu hướng không minh bạch thông tin liên quan đến chủ sở hữu và giao dịch có liên quan đến chủ sở hữu và người có liên quan hay thiếu thông tin về các cổ đông tổ chức nắm giữ tỷ lệ sát ngưỡng 5% để tránh các quy định công bố thông tin về cổ đông lớn, thường là công ty TNHH và cổ phần chưa niêm yết/không phải là công ty đại chúng. Công bố thông tin của loại hình công ty TNHH, công ty hợp danh và công ty cổ phần chưa niêm yết thiếu, ngay cả khi cung cấp cho các cơ quan quản lý. Thiếu quy định về công bố thông tin cổ đông lớn là cá nhân do theo quy định điều 55 Luật các TCTD quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của TCTD. Việc các cổ đông cá nhân tăng sở hữu thực tế thông qua mối quan hệ thành viên gia đình là hàng cháu” đã tránh được các quy định về người có liên quan nên không phải công khai thông tin của các cổ đông “hàng cháu”. Điều này dẫn đến không đảm bảo được tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, gây khó khăn trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát quyền “chi phối” thực sự của ngân hàng. Một số trường hợp như đứng tên hộ, sử dụng “công ty bình phong”… chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra. Ngoài ra, việc thiếu tính liên kết/kết nối thông tin dữ liệu cũng gây khó khăn trong theo dõi và phát hiện chủ sở hữu/nhóm kiểm soát cuối cùng, hoặc các trường hợp cổ đông sở hữu cả ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Các thông tin, dữ liệu hiện nay đang được tổ chức rời rạc theo từng cơ quan giám sát chuyên ngành, quyền truy cập và tiếp cận thông tin bị hạn chế.

Phóng viên: Vậy góp ý kiến cho sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, ông đề xuất, kiến nghị gì để hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng?

TS Vũ Nhữ Thăng: Theo tôi, đối với việc “hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng” nhằm hạn chế những rủi ro có liên quan, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Do đó, tôi kiến nghị về đối tượng “người có liên quan” cần thống nhất với đối tượng người có liên quan trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi với Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài ra, điểm a, khoản 28 Điều 4 cũng đã bổ sung đối tượng là công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông cá nhân không được vượt quá một tỷ lệ nhất định so với vốn điều lệ của một TCTD, bao gồm Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân và cổ đông là công ty TNHH một thành viên mà cá nhân đó làm chủ sở hữu; Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân và CTCP mà cá nhân đó sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên.

Cùng với đó, về công bố thông tin cần rà soát để bổ sung các quy định về việc cổ đông, chủ sở hữu phải công bố thông tin nhằm giám sát hữu hiệu về sở hữu của TCTD. Quy định về công bố thông tin của TCTD (đặc biệt là ngân hàng thương mại ) phải được quy định chặt chẽ hơn so với các công ty đại chúng, công ty niêm yết theo Luật chứng khoán 2019 (Luật Chứng khoán hiện hành yêu cầu công bố thông tin của cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng...). Cụ thể, nghiên cứu bổ sung quy định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của TCTD trên một mức cụ thể.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78555