Khắc phục tình trạng tàu cá nằm bờ (Kỳ 1)

Tình trạng tàu cá nằm bờ đã và đang xảy ra tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với số lượng ngày càng nhiều. Ở các tỉnh có nghề đánh bắt hải sản mạnh như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng... sản lượng đánh bắt hải sản đang sụt giảm mạnh, đời sống của một bộ phận ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ðể khắc phục thực trạng này và khôi phục nghề khai thác hải sản, rất cần sự chung tay giúp sức từ nhiều cơ quan chức năng...

Nhiều tàu cá đang neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang) không hoạt động. Ảnh: VIỆT TIẾN

Nhiều tàu cá đang neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang) không hoạt động. Ảnh: VIỆT TIẾN

Bài 1: Chuyện buồn nghề biển

Dù đang vào vụ cá Nam - vụ khai thác hải sản chính trong năm, nhưng ở nhiều cửa sông, cửa biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tàu cá neo đậu hàng hàng, lớp lớp. Tại các cảng cá lớn như Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang), Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Trần Ðề (huyện Trần Ðề, Sóc Trăng)... thưa thớt ghe tàu cập cảng, khung cảnh đìu hiu, vắng lặng.

Hắt hiu làng cá

Sông Cái Bé thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là nơi tránh trú của hàng trăm tàu đánh cá. Quanh cảng cá Tắc Cậu và từ chân cầu Cái Bé đến vàm Bà Lịch tàu đậu kín. Cảnh này trước đây chỉ thấy vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Tàu nhiều thế, nhưng hàng chục cơ sở bán nước đá, xăng dầu, cửa hàng tạp hóa lại đìu hiu. Một số cơ sở đã sang bán, đóng cửa, hoặc đã chuyển sang nghề khác. Công ty Huỳnh Lâm, doanh nghiệp sản xuất nước đá lớn tại khu vực này vẫn bám trụ, nhưng sản lượng tiêu thụ nước đá đã giảm từ 5.000 cây/ngày còn khoảng 700 cây/ngày. Chủ doanh nghiệp phải thu hẹp hai phần ba diện tích mặt bằng, hai nhà máy phải tạm đóng cửa. Trong số tàu cá đang neo đậu, có chiếc đã neo đậu từ Tết Nguyên đán năm 2019, có cả tàu có công suất hàng nghìn mã lực, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ông Trương Văn Ngữ, một ngư dân có tiếng trong nghề khai thác hải sản ở TP Rạch Giá vẫn còn sáu cặp cào đôi (12 chiếc) công suất lớn. Là ngư dân làm ăn giỏi, ông được hội viên bầu chức Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá nhiều năm qua. Ông Ngữ cho biết, TP Rạch Giá có hơn 3.000 tàu công suất lớn khai thác xa bờ, nhưng hiện tại chỉ khoảng nửa số tàu ra khơi thường xuyên và hơn 1.000 tàu đã phải nằm bờ. "Số tàu không ra khơi, vì có đi cũng cầm chắc lỗ. Số tàu thưa chuyến biển thì chuyến lỗ, chuyến lãi. Những tàu còn ra biển thường xuyên là do chủ tàu giỏi nghề, vốn lớn, có lượng ngư phủ "trung thành", cho nên còn khai thác hiệu quả, tuy nhiên lợi nhuận không bằng trước đây", ông Ngữ chia sẻ.

Tại Cảng cá Trần Ðề, nơi có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng, cảnh tượng còn buồn hơn. Khu vực cầu cảng chỉ còn vài tàu có ngư phủ vấn lưới, chuẩn bị hậu cần ra khơi, còn hầu hết neo đậu trong âu thuyền. Sóc Trăng cũng giống Kiên Giang có chủ yếu là tàu khai thác hải sản công suất nhỏ, ngư cụ cũ kỹ, lạc hậu. Tàu công suất lớn thì đối diện vô vàn khó khăn, nhiều ngư dân có tiếng trong nghề cũng không trụ nổi, phải bán tàu, chuyển nghề. Ông Ðặng Văn Muôn có hơn 40 năm gắn bó với nghề đánh bắt hải sản, cao điểm có lúc sở hữu cả một đoàn tàu đánh bắt xa bờ gần chục chiếc, nhưng rồi vẫn không cầm cự được với khó khăn, đành bán hết tàu. Ông Hai Muôn cho biết, nhiều tàu cá nằm bờ là hệ quả của việc đánh bắt vô tội vạ của ngư dân, khiến nguồn lợi thủy sản không phục hồi kịp. "Hiện đại hóa phương tiện đánh bắt để vươn khơi là định hướng đúng, nhưng ngư dân ta còn thiếu vốn, non kinh nghiệm trong đánh bắt xa bờ. Tình trạng mạnh ai nấy làm, không chia sẻ khó khăn, nên phát sinh nhiều chi phí, trong khi sản lượng giảm từng ngày".

Do phần lớn phương tiện của ngư dân Sóc Trăng có quy mô nhỏ, vỏ gỗ và đánh bắt đa dạng ven bờ, sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp và lạc hậu. Hiện vẫn còn nhiều tàu cá nhỏ quá hạn đăng kiểm đang khai thác ở địa bàn bãi ngang. Chính sự lạc hậu về trang thiết bị, thân và máy tàu cho nên các tàu chỉ tập trung khai thác ở những vùng biển có độ sâu từ 50 m trở vào. Còn các tàu công suất nhỏ hoạt động theo phương thức độc lập, sáng đi chiều về hoặc theo chuyến biển, nhưng lâu nhất cũng chỉ từ ba đến bảy ngày. Phương tiện xuống cấp làm nỗi lo tai nạn trên biển của ngư dân càng cao. Mới đây, tại Sóc Trăng, tàu cá ST-90981-TS va chạm vật trôi nổi đã bị chìm trên biển. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng thời gian gần đây đã kịp thời cứu hai tàu cá và 10 ngư dân gặp nạn do vướng cạn làm chìm tàu.

Nỗi lòng ngư dân

Tại tỉnh Cà Mau, chưa khi nào ngư dân miền biển lại thấy bất an như hiện nay. Họ không muốn bỏ nghề, nhưng bám trụ thì càng làm, càng lỗ. Ông Lê Văn Thiệt, chủ của năm tàu cá ở thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, trong chuyến biển tháng 7 âm lịch vừa rồi, gia đình ông tiếp tục thua lỗ gần 200 triệu đồng, nâng tổng mức thua lỗ từ đầu năm đến nay lên hơn một tỷ đồng. Ông Thiệt quả quyết không phải do tay nghề của ông yếu kém mà nguyên nhân chính do nguồn lợi hải sản đã cạn kiệt. "Ngày trước mỗi chuyến biển 20 ngày, gia đình tôi thu từ 700 đến 800 triệu đồng, trừ chi phí và ăn chia với ngư phủ vẫn lãi từ gần 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, không chuyến biển nào bán được quá 500 triệu đồng, thậm chí chuyến vừa rồi chỉ được 300 triệu đồng. Cũng con tàu và ngư cụ đó, nhưng hải sản giờ ít quá".

Cùng tình cảnh ấy, gia đình anh Trần Thanh Mỹ, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Sông Ðốc có hai tàu cá khai thác tuyến khơi. Tuy nhiên, bốn tháng trở lại đây, gia đình buộc lòng phải cho một chiếc nằm bờ vì khai thác không hiệu quả. Anh Mỹ kêu bán tàu hơn tháng nay nhưng chưa có người mua. Anh Mỹ phân tích: "Ngư dân tự phát tàu khai thác ven bờ nhiều quá, mắt lưới quá nhỏ và dày cho nên bắt luôn những hải sản nhỏ, thậm chí là ấu trùng, ảnh hưởng đến việc tái tạo nguồn lợi. Chưa kể đến việc vẫn còn không ít trường hợp khai thác bằng xung điện".

Thêm cái khó của người khai thác hải sản nữa là khan khiếm nguồn lao động, từ đó phát sinh hiện tượng ngư phủ lừa tiền chủ tàu. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Nguyễn Tấn Biểu, chủ 15 tàu cá ở khóm 2 (thị trấn Sông Ðốc) cho biết: Trong 5 năm gần đây, tổng số tiền mà ngư phủ mượn của gia đình bà rồi bỏ trốn là hơn 500 triệu đồng. Còn với ông Thiệt, mỗi chuyến ra khơi cần từ 48 đến 50 lao động, cho nên ông cũng bị lừa mất vài ba trăm triệu đồng. "Họ biết mình cần người và lợi dụng lòng tin của mình mà lừa tiền. Ðây là nguyên nhân lắm lúc chúng tôi phải ra khơi trễ hơn dự định, hoặc cho ghe nằm bờ để chờ bổ sung đủ ngư phủ", ông Thiệt ấm ức.

Ông Ba Tâm, ngư dân ngụ huyện Trần Ðề vừa bán chiếc tàu thứ hai của mình nói giọng nghẹn ngào: "Mấy chục năm đi biển, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải bỏ nghề lên bờ, nhưng cầm cự hoài cũng không xong. Tôi mong Nhà nước có chính sách giúp đỡ ngư dân còn thiếu vốn và có kinh nghiệm để tiếp tục bám biển". Một ngư dân cùng huyện Trần Ðề bộc bạch, ngày trước, ra khơi một buổi là có thể đủ sản lượng, có lời, còn bây giờ lỗ to. Không chỉ sản lượng khai thác ngày càng giảm, việc tìm kiếm và trả lương cho ngư phủ cũng nan giải. Với mức thù lao dưới 10 triệu đồng/tháng, ít ngư phủ chịu làm. Sau chuyến biển mà chia tiền quá ít, chủ tàu cũng khó giữ được ngư phủ, cận ngày ra khơi phải chạy đôn, chạy đáo tìm "bạn".

Ông Năm Bảo, một chủ mua hải sản ngụ huyện Châu Thành (Kiên Giang) nói: "Hiện nay là giai đoạn cầm cự của nghề khai thác hải sản, ai không nợ nần đã là giỏi". Còn ông Ba Trương, chủ một vựa cá lớn ở cảng cá Tắc Cậu cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì bị nhiều chủ tàu cá nợ tiền. Ông Ba Trương cho biết: "Nhiều tàu cá khi ra khơi, chủ vựa cho ứng trước tiền. Khi sản lượng cá ít, họ không đủ tiền trả, mình cũng rơi vào cảnh khó khăn chung". Ngoài ra, một số chủ tàu phản ánh, do việc khai thác hải sản thua lỗ cho nên nhiều ngân hàng hạn chế cho chủ tàu cá thế chấp tàu để vay vốn ra khơi. Theo ông Năm Bảo, mỗi cặp tàu công suất lớn, mỗi chuyến ra khơi cần khoảng một tỷ đồng, nếu như không được các ngân hàng hỗ trợ thì rất khó khăn. "Nếu làm liều vay nóng tín dụng đen, trong thời buổi khó khăn này, cầm chắc phá sản, bán tàu. Nhưng hiện nay có bán tàu cũng không ai mua, ôm tàu là ôm nợ", ông Năm Bảo khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng thừa nhận, hiện sản lượng khai thác hải sản của Kiên Giang sụt giảm và dự báo sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 10.000 tàu cá, trong đó 40% số tàu nằm bờ, do nhiều nguyên nhân như tàu chưa trang bị đủ các thiết bị theo quy định, ngư trường cạn kiệt, chủ tàu thiếu vốn đầu tư...

Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất ở Cà Mau, hiện có hơn 1.400 tàu khai thác (chưa tính tàu nơi khác đến), trong đó có 875 tàu khai thác xa bờ. Với lượng tàu nêu trên, vào vụ, các tàu cá cần khoảng 15.000 lao động, trong khi đó, toàn thị trấn hiện chỉ có hơn 40.000 dân, trong đó nam giới làm công cho tàu cá trong độ tuổi lao động chỉ khoảng 10.000 người. Sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu trong lao động nghề biển khiến ngành nghề này đang thiếu lao động trầm trọng.

(Còn nữa)

VIỆT TIẾN, HỮU TÙNG và THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41362202-khac-phuc-tinh-trang-tau-ca-nam-bo-ky-1.html