Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Thủ đô

Tổ chức tuyển dụng số biên chế giáo viên được giao đảm bảo số lượng và chất lượng là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học mới.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Vân Anh

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Vân Anh

Thiếu hơn 160 nghìn giáo viên

Thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm nay tại Hà Nội. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2,3 triệu học sinh và gần 133.000 giáo viên, số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ GD&ĐT quy định là 16.004 người.

Thiếu giáo viên khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phân công chuyên môn, bố trí thời khóa biểu. Một số giáo viên phải giảng dạy vượt quá số tiết theo quy định, không còn thời gian đầu tư sâu cho việc soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Cô Lê Thị Hiền - giáo viên Trường THCS Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, do thiếu giáo viên nên sĩ số trong lớp sẽ đông, đặt ra những thách thức về quyền lợi học tập của học sinh. Dù đã cố gắng hết sức nhưng giáo viên không thể hướng dẫn từng em. Điều này làm hạn chế cơ hội tương tác của mỗi em trong giờ học.

Do lớp học đông nên khả năng quan sát, nắm bắt của giáo viên rơi vào tình trạng không xuể và không có sự điều chỉnh, thông tin phản hồi kịp thời của học sinh. Từ đó, các em không được bù lấp kịp thời, dẫn đến kiến thức hổng, học đối phó. Mặt khác, lớp học đông cũng hạn chế khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.

Mặt khác, thiếu giáo viên và quá tải sĩ số đã và đang dẫn tới tình trạng một số trường tiểu học phải áp dụng nghỉ học 1 ngày trong tuần và bù vào buổi học ngày thứ Bảy. Điều đó dẫn tới sự thay đổi, phiền hà nhất định tới đời sống của giáo viên lẫn gia đình và học sinh. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là vấn đề chất lượng giáo dục có được đảm bảo trong tình trạng quá tải hay không.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng. Nhưng thực tế việc tuyển dụng này không thể làm nhanh và có những môn học không có giáo viên ứng tuyển. Dù có nhiều lợi thế nhưng việc tuyển dụng giáo viên của các trường tại Hà Nội vẫn gặp khó khăn nhất định.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho hay, năm học 2024 - 2025, quận có 105.913 học sinh, tăng 2.742 em so với năm học 2023 - 2024. Số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 7.181 người. So với định mức biên chế giáo viên được quy định, quận còn thiếu rất nhiều.

Tuy vậy, việc tuyển dụng giáo viên không đơn giản. Giáo viên một số bộ môn và hoạt động giáo dục theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018 như: Lịch sử và Địa lí, Giáo dục công dân, Công nghệ, Nghệ thuật, Tin học, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không có nguồn tuyển.

 Học sinh Hà Nội tham dự Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM. Ảnh: Vân Anh

Học sinh Hà Nội tham dự Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM. Ảnh: Vân Anh

Chờ tín hiệu vui

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay: Với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130 nghìn giáo viên, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước và sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Vì vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ, định mức biên chế, số biên chế tiếp tục còn thiếu, cần phải bổ sung.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác tuyển dụng bổ sung đội ngũ viên chức ngành GD-ĐT được Sở GD&ĐT Hà Nội quan tâm, thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tuyển dụng được những người có năng lực cho ngành.

Đối với các đơn vị, trường học thuộc sở, năm 2023, số giáo viên còn thiếu là 903 người. Năm 2023, thành phố giao 608 chỉ tiêu nhưng sở chỉ tuyển dụng được 400 người, còn 208 chỉ tiêu chưa tuyển dụng được, trong đó có 115 chỉ tiêu không có người đăng ký và 93 chỉ tiêu có đăng ký dự tuyển nhưng không đỗ.

Với trường học tại các quận, huyện, thị xã, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch tuyển dụng hoặc tuyển dụng không đủ so với chỉ tiêu biên chế. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, nhiều quận, huyện của Hà Nội tiến hành tuyển dụng giáo viên từ trước khai giảng.

Tại quận Hà Đông, tổng số viên chức giáo dục quận được giao năm 2024 là 4.507 người. Trong đợt tuyển dụng được tổ chức vào tháng 10/2024, quận sẽ tuyển dụng 405 viên chức giáo dục, gồm 122 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 233 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và 50 chỉ tiêu giáo viên THCS.

Quận Long Biên thông báo tuyển dụng 280 chỉ tiêu, trong đó có 67 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 50 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, 163 chỉ tiêu giáo viên THCS. Trước ngày 14/12, quận sẽ ban hành quyết định tuyển dụng và hướng dẫn các đơn vị ký hợp đồng với người trúng tuyển.

Quận Hoàng Mai cũng thông báo tuyển 468 chỉ tiêu, trong đó có 49 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 259 giáo viên tiểu học, 160 giáo viên THCS. Thí sinh dự thi 2 vòng, vòng 1 thi kiểm tra kiến thức chung, vòng 2 thi nghiệp vụ chuyên ngành. Trước ngày 15/12, quận sẽ ban hành quyết định tuyển dụng, hướng dẫn người trúng tuyển nhận việc tại các đơn vị.

Là đơn vị được giao 37 chỉ tiêu giáo viên trong năm học này, cô Tạ Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết, đây là tín hiệu vui với thầy trò nhà trường. Bổ sung biên chế sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ và giáo dục.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 ngành GD-ĐT Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, Hà Nội hiện còn hơn 8.000 chỉ tiêu biên chế chưa được sử dụng; điều này gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT khi đề xuất Bộ Nội vụ tiếp tục giao biên chế cho ngành. Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh việc tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-thu-do-post698778.html