Khắc phục triệt để bệnh quan liêu, vô cảm với nhân dân

Đề cập đến mức độ nguy hại của bệnh quan liêu, V.I.Lênin đã từng nói 'Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta chính là anh chàng quan liêu... Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó'. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định 'Bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân...'.

(baophutho.vn) - Đề cập đến mức độ nguy hại của bệnh quan liêu, V.I.Lênin đã từng nói “Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta chính là anh chàng quan liêu... Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân...”. Theo tư tưởng của Người, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nằm ngay trong tổ chức bộ máy của ta để làm hỏng công việc của ta. Thực tế cho thấy, cả trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, Người luôn coi quan liêu là nguồn gốc nảy sinh nạn tham ô, lãng phí, coi quan liêu là một loại bệnh, hơn nữa là một loại giặc, là kẻ thù nguy hiểm cần phải loại trừ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi, đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung; quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình; tác phong của “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách...Nhìn từ phương diện thực tế hiện nay, không khó để nhận ra những biểu hiện của căn bệnh quan liêu, xa dân, thậm chí vô cảm với nhân dân. Đó là áp đặt lối làm việc mệnh lệnh, hành chính hóa, xây dựng, ban hành các chủ trương, kế hoạch xa rời thực tế, khó khả thi từ cơ quan công quyền; không tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương, không gần gũi, gắn bó, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, một bộ phận cán bộ, đảng viên chẳng những không thực hiện phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, học dân mà trái lại còn hành dân, thờ ơ, vô cảm với nhân dân. Đơn cử như trong cuộc chiến chống COVID-19, còn có những cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu một số địa phương quan liêu, thiếu sâu sát, vô cảm trước khó khăn của nhân dân nên không có động thái chống dịch, hỗ trợ nhân dân kịp thời, thậm chí còn cắt xén, tham ô quỹ phòng, chống dịch, tiền cứu trợ, nâng khống giá vật tư xét nghiệm làm cho tình hình dịch ở địa phương diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại. Có những địa phương ở góc độ nào đó còn mang tư tưởng “Zero COVID”, tuyên truyền, vận động người dân không về quê ăn Tết, phần nào gây lo lắng trong nhân dân và cả những suy diễn trái chiều không đáng có.Thực tiễn đã chứng minh, quan liêu là một trong những căn bệnh rất nguy hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nó được ví như giặc nội xâm làm suy yếu Đảng và đạo đức cách mạng của Đảng, vì vậy, chống quan liêu là một việc làm cần thiết và cấp bách. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra, quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên là căn bệnh tồn tại khá phổ biến, gây hại trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, do vậy, nhận diện căn bệnh này và khắc phục nó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Gần đây, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có điểm mới là Đảng làm rõ, bổ sung thêm biểu hiện căn bệnh quan liêu ở Điều 3 “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Đây là nhận thức sâu sắc về thực trạng và tác hại của căn bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm với nhân dân - một căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Bệnh quan liêu, xa dân là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền.Thấm nhuần quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác phê bình, tự phê bình, tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý kỷ luật, khắc phục triệt để bệnh quan liêu, vô cảm với nhân dân. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đến mọi mặt đời sống của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết, không một ai bị bỏ lại phía sau. Từng cán bộ, đảng viên phải tự giác, gương mẫu, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gần dân, sát dân, trọng dân, học dân, chuyển từ tư duy “ban phát, ra lệnh” sang tư duy “phục vụ”, lấy quan điểm “vì nhân dân phục vụ” làm lẽ sống, luôn là “người đầy tớ của nhân dân”.

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/sinh-hoat-tu-tuong/202201/khac-phuc-triet-de-benh-quan-lieu-vo-cam-voi-nhan-dan-182389