Khắc phục vấn nạn 'ô nhiễm trắng'
PTĐT - Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa, túi ni-lông góp phần giảm thiểu 'ô nhiễm trắng', bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Cũng như nhiều người nội trợ khác, bà Trần Thị Việt ở tổ 9, phố Tân Thành, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì hằng ngày đi chợ mua thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. Theo bà Việt, mỗi ngày gia đình sử dụng ít thì 2 túi, nhiều thì 5 - 7 túi ni-lông đựng thực phẩm, rau, củ, quả... Biết là có hại nhưng vì tiện nên vẫn sử dụng, dùng xong thì bỏ vào thùng rác. Không chỉ bà Việt, từ thành thị đến đến nông thôn, tình trạng hằng ngày có rất nhiều người dân sử dụng túi ni-lông để đựng hàng hóa khi mua sắm trở nên phổ biến, thành thói quen hằng ngày, rất khó bỏ, gây nên tình trạng lạm dụng. Thực tế cho thấy, nhựa có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Lạm dụng sử dụng nhựa, ni-lông quá mức, trong khi khả năng thu gom, tái chế, tái sử dụng chưa tương thích đã gây nên vấn nạn “ô nhiễm trắng” đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo các nhà khoa học, chất thải nhựa có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Điển hình như túi ni-lông vẫn tồn tại hằng trăm năm trong đất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất; làm tắc nghẽn kênh, mương, góp phần sản sinh vi khuẩn gây bệnh; khi đốt nếu không có biện pháp quản lý tốt khí thải độc sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Trên địa bàn tỉnh, dọc theo các tuyến đường, do ý thức kém của một bộ phận người dân, các loại rác thải trong đó có nhựa dùng một lần, túi ni-lông, chai nước, ống hút, hộp xốp đựng thức ăn… cùng với các loại rác thải khác vứt bừa bãi không còn là chuyện hiếm thấy, trở nên đáng lo ngại.
Trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa ngày càng trở nên hiện hữu, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao công tác quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Cùng với cả nước, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông. Đặc biệt là các chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai, lọ bằng nhựa chứa thuốc bảo vệ thực vật…
Theo ông Nguyễn Việt Đô- Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân, trước sự gia tăng của rác thải nhựa ngày càng lớn do thói quen sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần, phường đã triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” đến 100% cán bộ công nhân viên, người lao động, khu dân cư và người dân; hưởng ứng tham gia mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni-lông và rác thải nhựa dùng một lần” do Hội Phụ nữ thành phố phát động, sau 6 tháng, phường đã tặng 1.000 chai thủy tinh, 200 chiếc làn, 100 hộp đựng thức ăn, 130 chiếc xô đựng rác cho hội viên và người dân với kinh phí hơn 30 triệu đồng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với môi trường. Với phương châm “thói quen nhỏ tạo ra sự thay đổi lớn”, phường sẽ tiếp tục vận động người dân sử dụng sản phẩm tự phân hủy thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tác động và bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, xanh- sạch- đẹp.
Việc kiểm soát rác thải nhựa và túi ni-lông đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay, để giảm thiểu “ô nhiễm trắng” cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài và thay đổi thói quen của cộng đồng. Tỉnh đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước việc bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có rác thải nhựa, ni-lông nói riêng; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi ni-lông. Sở TN&MT cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp giảm sử dụng chất thải nhựa và túi ni-lông trong sinh hoạt hằng ngày. Đẩy mạnh thực hiện chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; khuyến khích sử dụng túi giấy đựng thực phẩm, hạn chế mua những sản phẩm đựng trong túi ni-lông; không sử dụng chai nhựa; tái sử dụng sản phẩm bằng nhựa; sử dụng ống hút, thìa có thể dùng được nhiều lần; phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình, tách riêng các loại nhựa để tái chế... nhằm đưa phong trào “phòng chống rác thải nhựa” trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, đi vào thực chất và có hiệu quả, góp phần hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất.Để khắc phục vấn nạn “ô nhiễm trắng”, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni-lông; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về tác hại ô nhiễm môi trường từ rác thải rắn, cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni-lông sử dụng một lần”; tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ni-lông; khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni-lông sử dụng một lần. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật môi trường đối với vấn đề ô nhiễm bởi các sản phẩm nhựa và ni-lông.Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nhân dân cùng chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện, góp phần đưa các chủ trương, cơ chế chính sách về chống rác thải nhựa đi vào thực tiễn cuộc sống; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các khu vực thành thị và nông thôn, thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các tổ chức dịch vụ, hợp tác xã, công ty dịch vụ môi trường.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/khac-phuc-van-nan-o-nhiem-trang-168312