Khắc sâu đạo lý, thiết thực tri ân

Với những cách làm cụ thể, phần việc thiết thực, Phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' tại TP Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng khắp. Hoạt động này vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của thế hệ trước vì độc lập, thống nhất đất nước.

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội công đoàn (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê (sinh năm 1940) trong căn nhà nhỏ ấm áp tại phường 5, quận 3. Mẹ Bê có hai người con hy sinh khi tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Mẹ đang sinh sống cùng người con còn lại và các cháu. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Trung tâm Công tác xã hội công đoàn đã xin ý kiến địa phương, nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê.

 Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, khám sức khỏe cho đối tượng chính sách trên địa bàn.

Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, khám sức khỏe cho đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Mai Huy, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội công đoàn, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Từ đây, cán bộ, nhân viên Trung tâm có thêm địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, chung sức cùng các cấp, ngành chăm lo tốt những gia đình chính sách. Định kỳ hằng tháng, Trung tâm đến thăm hỏi, chăm sóc và trao quà phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Bê. Chúng tôi rất hạnh phúc khi được mẹ xem như con cháu trong gia đình. Những nghĩa cử tri ân của thế hệ hôm nay không thể so với sự cống hiến, hy sinh của mẹ nhưng chúng tôi mong muốn lan tỏa, giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc cho cán bộ công đoàn, người lao động”.

Phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng là nghĩa cử đẹp được các cấp, ngành, tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh thực hiện chu đáo trong thời gian qua bằng nhiều hình thức. Mới đây, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố khảo sát, ghi nhận có gần 800 gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng có nhu cầu thực hiện phục hồi di ảnh của mẹ. Trong những ngày thực hiện sôi nổi chiến dịch tình nguyện hè năm 2024 và hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2024), tuổi trẻ thành phố đã khẩn trương triển khai các phần việc phục hồi di ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tình cảm, quyết tâm cao nhất.

Phát huy truyền thống nghĩa tình, trong dịp này, tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh còn thực hiện ngày hoạt động cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn”. Đoàn viên, thanh niên và người dân cùng chung tay thực hiện chuỗi hoạt động ý nghĩa như: Dọn vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan các nghĩa trang, đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức các chuyến công tác xã hội khám bệnh, tặng quà nhân dân vùng căn cứ cách mạng, cùng tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội. Đoàn viên, thanh niên thành phố còn tổ chức lễ “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” tại các nghĩa trang liệt sĩ.

Đồng chí Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố cho biết: “Chuỗi hoạt động nhằm tăng cường giáo dục cho tuổi trẻ thành phố về công tác đền ơn đáp nghĩa, thiết thực tri ân gia đình chính sách bằng phần việc cụ thể, rõ nét. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước luôn sống mãi trong lòng mỗi người trẻ chúng tôi. Thế hệ trẻ hôm nay may mắn khi được sống, lao động, rèn luyện trong tự do, hòa bình, vì vậy, phải không ngừng vun đắp những nghĩa cử tri ân cao đẹp”.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội công đoàn (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê (thứ ba, từ phải sang).

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội công đoàn (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê (thứ ba, từ phải sang).

Khắc sâu truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh thời gian qua luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, cựu tù chính trị... Điểm sáng trong Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố là không chỉ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà, chăm sóc và phụng dưỡng mà còn triển khai nhiều cách làm bám sát nhu cầu thực tiễn như phục hồi di ảnh, thay mới các khung Bằng “Tổ quốc ghi công”, trang trí khánh tiết bàn thờ liệt sĩ, chỉnh trang các nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ, số hóa thông tin liệt sĩ, trao học bổng tặng con em gia đình chính sách, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho các gia đình chính sách... Những phần việc trên đã và đang tiếp tục lan tỏa, góp phần tạo nên vẻ đẹp về một thành phố nghĩa tình.

Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, cùng với hành trình tri ân tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh còn triển khai nhiều hoạt động tri ân thiết thực khác tại thành phố và nhiều địa phương trên cả nước với tổng kinh phí hơn 77 tỷ đồng, tăng gần 4,3% so với năm 2023. Theo đồng chí Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố luôn chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng, triển khai đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực xã hội hóa...

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/khac-sau-dao-ly-thiet-thuc-tri-an-787321