Khách có còn than đắt đỏ, kém ngon khi ăn uống ở sân bay?

Mai Hương chi 160.000 đồng cho một đĩa gỏi cuốn không đủ no. Trái lại, du khách Thu Hằng lại gật đầu hài lòng với bát phở thơm và vừa vị, dù mức giá không rẻ.

 Đồ ăn, thức uống tại sân bay vẫn nỗ lực cải thiện chất lượng để phù hợp với giá thành. Ảnh: The Phoenix.

Đồ ăn, thức uống tại sân bay vẫn nỗ lực cải thiện chất lượng để phù hợp với giá thành. Ảnh: The Phoenix.

Giữa tháng 5, Huỳnh Thị Trúc Huỳnh (26 tuổi, sống tại Trà Vinh) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sớm 3 tiếng so với giờ khởi hành. Nữ du khách cùng người bạn gọi phở và trà đào tại một quầy đồ ăn, tổng hóa đơn là 442.000 đồng, bằng 1/4 tiền vé máy bay đi Malaysia.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Huỳnh cho biết phở gà giá 125.000 đồng, phở bò giá 139.000 đồng và trà đào giá 89.000 đồng/ly. Giá cao và chất lượng không bằng các hàng quán bên ngoài.

"Bánh phở ăn ổn, nhưng bò viên chỉ cảm nhận được vị bột, thịt bò hơi dai. Bù lại, nước dùng thơm. Phở gà có hương vị tương đối, độ mặn ngọt chủ yếu từ gia vị, thịt gà ít và bở. Trà đào cũng khá nhạt, không có vị trà, nhưng uống còn nghe mùi đào là mừng", nữ du khách nêu cảm nhận.

Nữ du khách có trải nghiệm ăn uống không tốt khi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Huỳnh Thị Trúc Huỳnh.

Nữ du khách có trải nghiệm ăn uống không tốt khi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Huỳnh Thị Trúc Huỳnh.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định giá trần cho đồ ăn, thức uống tại sân bay. Ở ga quốc nội, nước lọc giá 3.500-20.000 đồng/chai khoảng 500 ml, sữa giá 4.500-20.000 đồng/hộp khoảng 180 ml. Các đồ uống trên bán ở ga quốc tế có giá lần lượt là 0,35-2 USD/chai nước lọc (khoảng 8.000-50.000 đồng) và 0,45-2 USD/hộp sữa (khoảng 12.000-50.000 đồng)…

Theo thông tư mới ban hành, từ ngày 1/7, các dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống nội địa ở sân bay phải kê khai giá để tránh ảnh hưởng túi tiền của du khách.

Cùng cảnh ngộ, Mai Hương (31 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng ngán ngẩm với đĩa gỏi cuốn 3 chiếc với giá 160.000 đồng. Trong lúc chờ chuyến bay tạm hoãn, nữ du khách đói lả nên đành ghé vào quầy ăn ở tầng 2.

"Kích thước mỗi cuốn ngắn và nhỏ, bún và rau đều ít. Lát thịt rất mỏng, tôm chỉ có một con được cắt làm đôi. Tương đậu phộng đi kèm chưa cân bằng giữa vị mặn và ngọt. Tôi ăn hết 3 cuốn, nhưng vẫn không đủ no", du khách này miêu tả lại.

Mai Hương cho biết mình lường được mức giá trong sân bay khá cao, nhưng không nghĩ phải chi hơn 50.000 đồng cho một chiếc gỏi cuốn. Tranh thủ thời gian còn lại, nữ du khách tiếp tục ghé một cửa hàng tiện lợi ở tầng hầm để mua thêm cơm nắm lót dạ.

Mai Hương xót tiền trước bữa ăn có khẩu phần không tương xứng với giá thành. Ảnh: Mai Hương.

Mai Hương xót tiền trước bữa ăn có khẩu phần không tương xứng với giá thành. Ảnh: Mai Hương.

Phía sân bay Nội Bài (Hà Nội), Ngọc Anh (25 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng chi khoảng 350.000 đồng cho 2 bát phở ở khu vực nhà ga T2 hồi đầu tháng 8. Nữ thực khách và người bạn đi cùng đều không đánh giá cao về chất lượng.

"Thịt bò trụng hơi dai. Nước dùng thơm quế và hồi, nhưng không được nóng. Lòng trắng của trứng chần còn trong và sệt như chưa chín. Bù lại, quầy chế biến sạch sẽ", Ngọc Anh nói. Ngoài ra, du khách này cũng ghé vào một thương hiệu cà phê lớn và gọi ly đồ uống cỡ nhỏ. Giá cao hơn 40% so với bên ngoài, tiếc là chỗ ngồi lại khá nhỏ, không tạo cảm giác thoải mái.

Ngọc Anh thừa nhận bản thân dễ bị cám dỗ bởi những quầy đồ ăn sáng đèn và cảnh du khách ngồi ăn đông đúc. Rút kinh nghiệm cho chuyến bay sau, cô sẽ ăn no trước và hạn chế đến quá sớm.

Trong khi đó, Thu Hằng (35 tuổi, sống tại Hà Nội) lại bất ngờ với sự thay đổi hương vị của một quầy đồ ăn ở sân bay Nội Bài. Hai năm trước, du khách này từng ăn phở tại đây, nhưng chất lượng không đạt kỳ vọng.

"Tôi gọi bát lớn giá 150.000 đồng. Nước dùng nêm nếm vừa miệng và thơm hành, nhưng hơi nhiều mỡ. Thịt bò tươi, bánh phở dai mềm. Trên bàn có đủ tương ớt, giấm tỏi và ớt tươi. Bánh quẩy cũng thơm giòn. Trước đây, phở ở cửa hàng này chỉ ăn chống đói, giờ hương vị đạt khoảng 7/10", Thu Hằng chia sẻ.

Nữ du khách nhận xét thêm quầy ăn này hiện có không gian ngồi lại rộng rãi và thoáng mát, cách bày trí nhã nhặn. Riêng thìa, đũa được bọc bằng giấy để đảm bảo vệ sinh, bàn ghế cũng dọn dẹp liên tục.

Một số quầy/cửa hàng ăn uống ở sân bay Nội Bài vẫn có hương vị ổn và không gian tươm tất. Trong ảnh, nữ du khách check-in ở sân bay vào cuối tháng 6. Ảnh: Thu Hằng.

Một số quầy/cửa hàng ăn uống ở sân bay Nội Bài vẫn có hương vị ổn và không gian tươm tất. Trong ảnh, nữ du khách check-in ở sân bay vào cuối tháng 6. Ảnh: Thu Hằng.

Riêng Trần Thùy Trang (39 tuổi, sống tại TP.HCM) không ngại chi 175.000 đồng cho bát phở hay 100.000 đồng cho ổ bánh mì tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Du khách này cho rằng mức giá đắt hơn bên ngoài là điều dễ hiểu, bởi đồ ăn, thức uống ở sân bay phải chịu thêm các chi phí như thuê quầy hàng, kiểm tra an ninh, thuê nhân viên...

"Năm ngoái, tôi xót ví khi ăn phần mì ramen 26 SGD (khoảng 500.000 đồng) ở sân bay Changi (Singapore). Một bát phở thập cẩm bò gần 19 SGD, gấp đôi giá phở ở sân bay Việt Nam. So với ở đây là không đắt, nhưng nếu tính theo tiền Việt, giá cả và chất lượng đồ ăn trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chấp nhận được", Thùy Trang bày tỏ.

Theo nữ du khách, không phải quần đồ ăn nào trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng giá cao và kém ngon. Một số quầy có mức giá chỉ từ 90.000 đồng, hương vị cũng ở mức ổn.

Hiện tại, sân bay ở một số quốc gia và Việt Nam đang nỗ lực cải thiện mác "đồ ăn đắt đỏ". Ở sân bay Tân Sơn Nhất, một công ty đã cho ra mắt thực đơn 7 món với giá dưới 100.000 đồng/món.

Sân bay Incheon (Hàn Quốc) cũng trình làng set mì cay, cơm trộn với giá khoảng 12.000-20.000 won (tương đương 220.000-365.000 đồng). Sân bay Changi (Singapore) mở bán nhiều món giá dưới 10 SGD (khoảng 190.000 đồng). Tương tự, một số sân bay ở Nhật Bản cũng có nhiều đồ ăn giá tốt, chẳng hạn như mì ramen/udon có dải giá 900-1.800 yen (tương đương 150.000-300.000 đồng).

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-co-con-than-dat-do-kem-ngon-khi-an-uong-o-san-bay-post1502268.html