Khách của làng
Khách đến thăm một gia đình cũng đồng thời là khách của cả làng. Nguyên tắc rất phổ biến trong các cộng đồng Bahnar truyền thống này không phải người ngoài làng nào cũng biết. Người chân ướt chân ráo mới lên định cư ở Gia Lai những năm 90 của thế kỷ trước như tôi lại càng không thể biết mỹ tục ấy.
Hồi đó, trừ những lúc mới vào mùa thu hoạch, bắp lúa còn đầy hoặc dịp lễ hội khi tiếng chiêng vẫn quyện trong men rượu ghè bay la đà khắp rừng, kinh tế ít nhiều thiếu hụt, đời sống của người dân đôi chỗ chưa hoàn toàn thuận lợi. Thành ra, mỗi lần về làng chơi hoặc đi chơi kết hợp ghi chép, sưu tầm văn hóa dân gian, ngoài sổ, bút, máy ảnh, sau xe tôi thường có một bọc mì tôm, cá khô. Những thứ ấy ở làng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, đương nhiên là hàng hiếm.
Trong ký ức, tôi vẫn còn lưu hình ảnh nhiều cháu bé ăn mì tôm pha nước sôi mà sung sướng, háo hức như lần đầu được thưởng thức một thứ sơn hào hải vị nào đó. Tôi cũng không thể nào quên cảnh bà con ta nâng niu từng gói xếp vào đáy gùi rồi cách chế biến mì tôm thành canh để ăn cùng cơm nấu như thế nào. Để tiết kiệm, mỗi bữa người Bahnar thường vùi một vài con cá đã mặn chát vào tro nóng cho chín đều. Sau đó bỏ cá vào cối gỗ giã nát cùng với cả vốc ớt khô. Khi ăn, từng người lần lượt thò đũa vào cái cối mà không cần nhìn và nhón gắp một chút. Có thể kể thêm rất nhiều biểu hiện tằn tiện của đồng bào Bahnar khi ấy. Thực tình, không thể nói khác, chiến tranh lùi xa đã vài mươi năm có lẻ, nhưng thức ăn chủ lực ở một số cộng đồng vẫn là lá mì giã cùng muối và ớt. Vào thời điểm giáp hạt, có làng thiếu gạo trầm trọng, người trẻ khỏe phải vào rừng đào củ mài, thậm chí nhiều gia đình đành chấp nhận ăn rau lá qua loa cho xong bữa.
Đời sống vật chất kham khổ nhưng người Bahnar vẫn hồn nhiên như bao đời nay. Tôi chưa từng thấy họ than vãn trước hoàn cảnh khó khăn mà ngược lại, vẫn luôn cặm cụi với công việc hàng ngày, vào hội luôn vui hết mình còn khi gặp khách thì xởi lởi vô cùng. Tôi biết được nét đẹp khách của một nhà cũng là khách của cả làng bắt đầu từ một lần đến thăm họa sĩ Xu Man ở làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang.
Biết tiếng ông đã lâu nhưng khi tôi được chuyển về cơ quan ấy thì chuyên viên kiêm họa sĩ Xu Man (1925-2007) đã rời Ty Văn hóa-Thông tin về làng nghỉ hưu, từ năm 1983. Một buổi chiều, sợ họa sĩ không biết mình là ai, tôi liền đem mối dây đồng nghiệp vong niên ra giới thiệu. Nhưng chỉ mới được vài câu, ông đã phất tay nói đại ý không cần, đến thăm là vui, ai cũng như ai thôi. Rồi ông xăng xái lấy chiếc chiếu dựng ở góc nhà trải ra sàn, cầm bình nước cùng hai cái ly nhựa xanh đỏ đặt xuống đấy. Ngồi chưa nóng chỗ đã nghe tiếng người dưới sân. Thấy tôi lúng túng không hiểu, họa sĩ Xu Man nói vọng ra: Vào đi. Tức thì một phụ nữ tươi tắn lên sàn. Bà chìa ra trước mặt tôi một rá cơm nhỏ. Tôi chưa hiểu phải làm gì thì họa sĩ Xu Man đã giục: Ăn đi! Tôi vội bốc một miếng cơm nguội cho vào miệng, vừa ăn vừa khen ngon. Chưa xong, lại thấy một vị trung niên bước lên nhà cùng một trái đu đủ chín trên tay. Ông đặt nó xuống sàn, gật đầu cười với chủ nhà rồi ra về. Từ đó đến khi trời tối hẳn, nhà họa sĩ Xu Man còn đón thêm hàng chục người trong làng cùng với bắp, chuối và gạo. Chưa kể, tối hôm ấy, nhiều người đến ngồi quanh bếp lửa nhà bok Dơng-tên khác của họa sĩ Xu Man-nói đủ thứ chuyện vui vẻ.
Mãi sau này, khi đã ngủ lại nhà họa sĩ Xu Man dăm bảy lần, được ông kể cho nghe đủ thứ chuyện liên quan, kết hợp với quan sát thực tế ở nhiều nơi, tôi mới phần nào hiểu về cái tục lệ đẹp đẽ này của người Bahnar. Theo truyền thống, không có con người cá nhân trong mỗi cộng đồng. Có thể thấy rất rõ việc này trong ngôn ngữ Bahnar, chẳng hạn lần đầu gặp một người lạ, họ sẽ hỏi: Ông/bà/anh/chị từ làng nào đến thay vì hỏi tên người đối diện. Xuất phát từ quan niệm trên, một người Bahnar có hành động tốt sẽ mang lại danh tiếng cho cộng đồng và ngược lại, nếu chẳng may trong làng có ai đó làm điều sai trái, tiếng xấu cả làng phải gánh. Con người luôn gắn bó và nương tựa vào cộng đồng, bị đuổi ra khỏi làng là hình phạt cao nhất và cũng là ô nhục nhất. Thành ra, khi khách đến thăm một gia đình nào đấy, đồng nghĩa với việc người đó là khách của cả làng. Hành động góp đồ ăn, thức uống cho khách mang cả ý nghĩa biểu tượng lẫn nghĩa đen: Nuôi khách.
Ngày nay, đường sá, phương tiện giao thông, liên lạc đều đã trở nên thuận tiện. Hàng quán, dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm đã có mặt ở tất cả các làng xã trong tỉnh. Bên cạnh đó, công bằng mà nói, trước làn sóng đô thị hóa và sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khiến mùa vụ ở làng luôn bận rộn, nét đẹp kể trên còn lại không nhiều. Dù vậy, trên đường điền dã, đôi khi bắt gặp những biểu hiện của một hồi quang đầy tính nhân văn ở các cộng đồng người Bahnar truyền thống vẫn làm lòng tôi ấm áp, hoài nhớ.
NGUYỄN QUANG TUỆ
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202207/khach-cua-lang-5785008/