Khách hàng được giảm lãi và được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác

Một số ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh những tháng cuối năm cần đẩy mạnh tăng tốc xuất khẩu và bán hàng. Không chỉ vậy, các khách hàng còn có thể được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác đối với cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trước đây.

Đại diện ngân hàng MSB cho biết: Không chỉ được giảm lãi suất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn được tặng đến 3 triệu đồng khi vay online trên các nền tảng số. Ngân hàng này đã giảm đến 1% lãi suất cho vay với SME có món vay giải ngân bằng VND ở tất cả các kỳ hạn; đồng thời tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

Các chương trình này của MSB nhằm hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về việc điều chỉnh giảm lãi suất, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm.

Nổi bật là M.Power - giải pháp cấp tín dụng tín chấp của MSB được số hóa toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp với hạn mức cấp không tài sản bảo đảm tối đa lên đến 15 tỷ đồng; M-Supreme - Giải pháp cấp tín dụng online toàn diện (tham khảo tại link) đến 200 tỷ đồng, tối đa 280% giá trị tài sản bảo đảm với thời hạn vay đến 84 tháng cùng đa dạng hình thức tài trợ, sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp.…

Đối với các khoản vay hiệu hữu, khoản vay mới tại TPBank, tùy từng khách hàng có thể hưởng lãi suất thấp hơn đến gần 4% nếu so với thời kỳ trước khi có làn sóng hạ lãi suất.

Mới đây, ngân hàng TPBank chủ động thực hiện hạ lãi suất cho vay cơ sở VNĐ lần thứ 8 liên tiếp, nâng tổng mức giảm lên 1,5% - 2,25%, áp dụng với tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi, gia hạn. Một số khoản vay đủ điều kiện, tính thêm một số ưu đãi với tùy từng khách hàng đủ đáp ứng, có thể được hưởng lãi suất thấp hơn tới gần 4% so với trước khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất lần đầu tiên. Năm 2023, TPBank cam kết giảm lãi vay ước tính gần 1.400 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, TPBank tiếp tục thực hiện miễn, giảm nhiều loại phí với tổng mức miễn giảm khoảng 76 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng OCB nhận định: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm và nhu cầu tín dụng gia tăng trở lại trong những tháng cuối năm nay.

“Những tháng còn lại của năm nay, chúng tôi dự đoán, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cơ sở của dự đoán này là lạm phát được kiểm soát cách biệt so với mục tiêu (3,5% so với 4,5%). Bên cạnh đó, sức cầu còn yếu, khu vực sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cán cân thanh toán cân bằng và có thặng dư nên việc duy trì lãi suất thấp không tạo ra áp lực quá lớn lên tỷ giá (mức biến động của tỷ giá trong biên độ +/3% là chấp nhận được). Ngoài ra, lãi suất giảm và giữ ở mặt bằng thấp là điều kiện cần thiết và hợp lý để cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường tài chính xét trên tương quan cung cầu về tín dụng”, ông Bùi Thành Trung cho biết.

Tương quan lãi suất giữa huy động và cho vay thường có độ trễ khoảng 3 - 6 tháng. Đỉnh điểm lãi suất huy động tăng cao là tháng 11 - 12 năm ngoái và bắt đầu hạ nhiệt nhanh từ cuối quý I/2023. Theo đó, lãi suất cho vay giảm rõ nét kể từ quý III/2023. Dự báo, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ về mặt bằng 5 - 6%/năm, lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn bình quân trong vùng 7 - 10%/năm.

Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, OCB liên tục triển khai các gói hỗ trợ lãi suất như giảm đến 2,5%/năm khi vay USD; gần đây nhất là gói ưu đãi lãi suất VND chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và từ 7,99%/năm cho các khoản vay từ 6 tháng trở lên, với tổng hạn mức chương trình đến 2.400 tỷ đồng, triển khai từ nay đến hết 31/10/2023.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản HDC.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản HDC.

Đến nay, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại, một phần nhờ hỗ trợ từ vốn vay. Theo ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, để được hỗ trợ vốn kịp thời, điều quan trọng là cần trao đổi thẳng thắn, minh bạch về tình hình kinh doanh để ngân hàng hiểu hơn và đồng hành cùng với mình giúp tháo gỡ các vướng mắc nhanh nhất có thể.

Doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

Doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

Hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã được giảm 2% từ ngân sách Nhà nước, cộng thêm 1,5% từ ngân hàng đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Nhờ tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, doanh nghiệp đã duy trì lượng xuất khẩu ổn định từ 1.200 - 1.500 tấn ngao mỗi tháng.

"Khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được hưởng một số lợi ích, trong đó quan trọng nhất là giảm chi phí vay. Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp trả ít tiền hơn cho khoản vay của mình. Điều này có thể làm giảm đi các chi phí tài chính và tăng lợi nhuận. Lãi suất thấp cũng giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới hoặc mở rộng quy mô kinh doanh”, ông Trần Văn Thường - Giám đốc Công ty Thiết bị Điện Sơn Đông nhận định.

Quy định mới “thúc” các ngân hàng hạ lãi suất vay

Theo Thông tư 06 mới nhất của NHNN, từ tháng 9/2023, khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác đối với cả nhu cầu đời sống, thay vì chỉ khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trước đây. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.

Thông tư 06 cũng nêu: Đối với việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...), khách hàng không cần phải có phương án hay dự án. Theo đó, khách hàng chỉ cần thông tin về số tiền cần vay, mục đích sử dụng vốn vay, thời gian sử dụng vốn vay và chứng minh nguồn trả nợ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Quy định mới này sẽ thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng khác. Người vay sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp tại ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn.

Đại diện Vietcombank cho biết: Theo Thông tư 06/2023, khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Hiện, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5% /năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để đảm bảo cho khoản vay như: Bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người có quan hệ huyết thống (bố/mẹ/con đẻ) hoặc người có quan hệ vợ/chồng với khách hàng; hoặc tài sản của chính khách hàng tại tổ chức tín dụng đang vay.

“Với chính sách mới này, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn vay vốn tại Vietcombank với lãi suất thấp và ổn định, giúp khách hàng chủ động trong các kế hoạch tài chính của cá nhân và gia đình”, đại diện Vietcombank cho biết.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6 - 6,2%/năm và lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian tới, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhanh do tác động từ 4 đợt hạ lãi suất điều hành của NHNN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giãn trích lập dự phòng nợ xấu. “Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư”, đại diện VNDirect nhận định.

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn có thể tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn hơn. Tuy nhiên theo một số chuyên gia tài chính, dư địa giảm thêm lãi suất là có, nhưng không nhiều vì áp lực tỷ giá dần hiện hữu, vì vậy cần phối hợp với các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp từ nhiều phía.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/khach-hang-duoc-giam-lai-va-duoc-vay-ngan-hang-nay-tra-no-ngan-hang-khac-20230902012336479.htm