Khách quốc tế đến Việt Nam tăng, thêm 'ngôi sao' mới
Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 500.000 tỷ đồng.
Khách quốc tế tăng cao
Từ ngày 15/8, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Kể từ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng, lập kỷ lục về lượng khách quốc tế trong năm 2023.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 1,21 triệu lượt người và bằng khoảng 80% lượng khách quốc tế trong tháng 8/2019 - thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tháng 8 cũng là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm, dù thời điểm này thường được coi thấp điểm về đón khách quốc tế đến Việt Nam.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng với 2,9 triệu lượt, thị trường Trung Quốc đạt 1,3 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Tính riêng lượng khách từ hai thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong tháng 10, hầu hết các những thị trường lớn đều tăng trưởng, trong đó: Hàn Quốc tăng 3,4%, Mỹ tăng 8,9%, Trung Quốc tăng 6,8%. Bên cạnh đó, ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng lớn từ thị trường Thái Lan (tăng 35,1%), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng 18,7%), Úc (tăng 17,2%.)...
Hai tháng tiếp theo, lượng khách quốc tế đến Việt Nam duy trì trên một triệu lượt khách/tháng.
Trong 10 tháng, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 500.000 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Vietluxtour - khẳng định, chính sách visa mới là một trong những động lực góp phần phát triển thị trường khách quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam.
“Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hơn nửa đầu năm nay có sự tăng trưởng tốt. Tính đến cuối quý III, chúng tôi khôi phục khoảng 70% thị phần khách mục tiêu giai đoạn trước 2020. Tổng kết ba quý, thị trường khách quốc tế của Vietluxtour tăng khoảng 400% về lượng khách và doanh thu so với năm 2022”, bà Trần Thị Bảo Thu nêu.
Bà Nguyễn Thị Hiên - Giám đốc Kinh doanh Cty Du lịch BestPrice - cho biết, lượng khách quốc tế đặt tour tại công ty khá tốt. Dự kiến đến hết mùa cao điểm khách quốc tế, công ty sẽ đón ít nhất 5.000 khách. “Tính tới hết tháng 10, chúng tôi đã đón lượng khách gấp đôi tổng lượng khách năm 2022 và đạt khoảng 70-80% dự tính năm nay”, bà Nguyễn Thị Hiên nói.
Nhận định về thị trường, điểm đến của du khách trong thời gian tới, bà Hiên cho biết điểm đến ưa thích của các nhóm khách không thay đổi nhiều, chủ yếu vẫn tập trung vào các điểm đến truyền thống như Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Hội An, TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Bến Tre).
“Khách Mỹ có nhu cầu đi dài ngày từ 10-15 ngày hoặc hơn (thường kéo dài tour từ Việt Nam sang Campuchia hoặc Thái Lan), nhưng khách châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á thường chỉ đi hành trình 5-7 ngày. Khách Ấn Độ có chút khác biệt, họ thường sẽ quan tâm đến các điểm đến mới, thu hút. Gần đây, khách Ấn quan tâm nhiều tới đảo Ngọc Phú Quốc”, bà Hiên nhận định.
Thị trường khách Trung chưa khả quan
Nhìn chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, tuy nhiên, ngành du lịch vẫn mong chờ khách từ “đất nước tỷ dân”. Thời điểm trước dịch COVID-19, lượng khách Trung luôn chiếm hơn nửa số khách quốc tế tại Việt Nam.
Thế nhưng 10 tháng năm nay, Việt Nam chỉ đón hơn 1 triệu lượt khách, trong khi đó, giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.
Ông Nguyễn Hà Hải - Giám đốc CTCP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai chi nhánh Quảng Ninh, đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc - nhấn mạnh, sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại, những người làm du lịch trong tâm thế sẵn sàng phục vụ, tuy nhiên, thực tế luôn khác xa kỳ vọng.
Nguyên nhân được chỉ ra là kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy người dân ưu tiên phục hồi kinh tế hơn là du lịch. Hơn nữa, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu cho du lịch của người dân trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu của The Outbox Company (công ty chuyên nghiên cứu thị trường tập trung vào lĩnh vực du lịch và khách sạn hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương), công suất bay quốc tế tại Trung Quốc thấp hơn 46% so với mức tháng 9/2019. Công suất bay đến Việt Nam ở mức dưới 50% so với tháng 9/2019.
Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam đang “hụt hơi” trong quá trình hồi phục ngành du lịch sau đại dịch. Bên cạnh việc tiếp tục nới rộng những quy định về chính sách visa, các chuyên gia kinh tế, du lịch cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tích cực quảng bá điểm đến bằng các chương trình khuyến mại, chương trình xúc tiến.
“Nghiên cứu và phát triển kinh tế du lịch về đêm tại các thành phố du lịch lớn rất quan trọng. Khi thị trường yếu, ta có thể hỗ trợ khách du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách trợ giá hoặc quà tặng qua các công ty lữ hành uy tín. Đây là chiến lược được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là với khách du lịch Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan”, ông Lê Công Năng - CEO Cty du lịch Wondertour - đề xuất.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành du lịch thời gian tới, trong đó tập trung phát triển theo phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”; yêu cầu thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng.
“Phải chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Đồng thời, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh”, Thủ tướng nhấn mạnh.