Khách sạn, nhà hàng sẵn sàng phục vụ

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến rất gần. Với xu hướng người dân vui chơi, du lịch dịp nghỉ Tết ngày càng nhiều, các khách sạn tại Hà Nội cho biết, lượng đặt phòng dự kiến tăng từ 50 đến 70%, nhiều nơi kín phòng từ mùng 2 Tết. Cùng với dịch vụ lưu trú, trong kỳ nghỉ Tết, một số nhà hàng ăn uống tại Hà Nội vẫn mở cửa phục vụ khách.

Quán Ăn Ngon (số 18 phố Phan Bội Châu) bắt đầu mở cửa từ mùng 2 Tết.

Quán Ăn Ngon (số 18 phố Phan Bội Châu) bắt đầu mở cửa từ mùng 2 Tết.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống mở xuyên Tết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn kéo dài 7 ngày, từ 8 đến 14-2 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Dịp này, Hà Nội trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo ghi nhận, lượng đặt phòng tại nhiều cơ sở lưu trú có xu hướng tăng. Khách đặt phòng chủ yếu là người nước ngoài. Đại diện khách sạn De l'Opera Hanoi (29 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) cho biết, những khách sạn ở vị trí trung tâm Hà Nội có sức hút lớn với khách quốc tế trong dịp Tết. Hiện nay, phần đông khách đặt phòng tại khách sạn này đến từ châu Âu, dự kiến đạt khoảng 60-70% số phòng trong kỳ nghỉ Tết. Khách sạn đã được trang trí đậm không khí Tết truyền thống để du khách có thể cảm nhận kỳ nghỉ Tết của người Việt.

Cũng ở vị trí trung tâm Hà Nội, khách sạn Movenpick (số 83 phố Lý Thường Kiệt) mới đi vào hoạt động sau 2 năm nâng cấp dịch vụ cũng có nhiều ưu đãi cho du khách trong Tết Nguyên đán.

Giám đốc kinh doanh khách sạn Movenpick Nguyễn Thùy Bích Vân thông tin, cùng với xu hướng lượng đặt phòng đang tăng, khách sạn này duy trì 2 nhà hàng theo phong cách châu Âu và châu Á, mở cửa xuyên Tết để phục vụ cả khách trong và ngoài khách sạn với chương trình ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, nhà hàng theo phong cách Ma Cao (Trung Quốc) sẽ giảm giá 20% cho khách đến ăn và check-in, còn nhà hàng theo phong cách châu Âu sẽ tặng thêm món khai vị, tráng miệng khi khách đặt bàn từ 4 người trở lên. “Tất cả nhân viên đều được phân ca trực để bảo đảm đủ nhân lực phục vụ khách và bảo đảm chất lượng dịch vụ”, bà Nguyễn Thùy Bích Vân chia sẻ.

Ở ngoại thành Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú có lượng khách tăng từ khoảng mùng 2 Tết. Quản lý vận hành khu resort Melia Ba Vì Hoàng Văn Phương chia sẻ, từ mùng 2 Tết, khu nghỉ dưỡng này đã kín phòng, chủ yếu do khách nước ngoài đặt.

Còn theo quản lý khu resort Glory (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Hải Tiến, cơ sở đã huy động nhân lực để tất cả các ngày Tết đều có đủ người trực, bởi lượng khách đặt phòng đông và bắt đầu cao từ mùng 3 Tết. Giá phòng niêm yết của cơ sở này không khác ngày thường.

Ở lĩnh vực ăn uống, những cơ sở uy tín đạt chuẩn của Hà Nội như Quán Ăn Ngon (số 18 phố Phan Bội Châu), Ngon Garden - địa chỉ đã được chứng nhận Michelin (số 70 phố Nguyễn Du) bắt đầu mở cửa từ mùng 2 Tết.

Bà Phạm Bích Hạnh, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ quản lý Phúc Hưng Thịnh, đơn vị vận hành các địa chỉ ẩm thực nói trên cho biết, các cơ sở trên cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ; từ mùng 4 Tết, thực đơn trở về như bình thường. Với những khách thích thưởng thức đồ ăn vặt thì quán chân gà Mắt To (phố Lương Ngọc Quyến) luôn là địa chỉ phục vụ xuyên Tết từ nhiều năm nay với các món chân gà, nem rán. Chủ quán chân gà này cho biết, lượng khách đến quán vào ngày Tết rất đông. Vì thế, quán luôn chuẩn bị thực phẩm từ trước Tết. Giá dịch vụ vào 3 ngày Tết sẽ cao hơn ngày thường khoảng 10% vì phải trả thêm lương cho nhân viên.

Bảo đảm vui chơi an toàn

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, xu hướng khách vui chơi, du lịch xa vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngày càng nhiều. Đây cũng là thời điểm lượng khách quốc tế tăng cao vì mong muốn trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, Tết Nguyên đán là thời gian “vàng” để thu hút khách đến Hà Nội. Tuy nhiên, tâm lý nghỉ Tết sẽ khiến cho nhiều dịch vụ như ăn uống, hàng quán mở cửa muộn, hoặc giá cả tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ cho khách. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân viên phục vụ trong kỳ nghỉ Tết cũng là khó khăn lớn của các cơ sở kinh doanh du lịch. Vì thế, để thu hút khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn thì các cơ sở kinh doanh cần khắc phục được những khó khăn về nhân lực lao động, bảo đảm giá dịch vụ không tăng đột biến.

Còn theo Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, để du khách, đặc biệt là khách quốc tế có ấn tượng khi đến Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh các dịch vụ lưu trú, ẩm thực chất lượng tốt, Hà Nội cần phải có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các điểm du lịch. Hiện nay, khách có xu hướng nghỉ dưỡng, du lịch theo nhóm nhỏ. Các khách sạn, cơ sở ăn uống cần có sự liên kết để giới thiệu những điểm vui chơi cho khách gần nơi lưu trú, điểm ăn uống.

Nhằm thu hút và chuẩn bị tốt nhất cho việc đón khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Du lịch đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách để sẵn sàng phục vụ; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, ứng xử văn minh. Đây là cách thiết thực góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Hà Nội “an toàn, thân thiện, chất lượng” tới du khách.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khach-san-nha-hang-san-sang-phuc-vu-657946.html