Khai diễn Ngày thơ Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ngày 23/2/2024, tức ngày 14 tháng giêng Giáp Thìn, Ngày thơ Hà Nội, trong chuỗi hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 trên cả nước đã được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Mở đầu chương trình, sau không khí sôi động của màn múa trống, múa rồng lân của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng trung ương là màn trình diễn bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy sâu lắng, linh thiêng và trang trọng qua sự thể hiện của NSND Trần Quốc Chiêm.
Phần trình diễn của các nghệ sĩ với các tiết mục ca trù, ngâm thơ, đọc thơ… đã thể hiện thành công tác phẩm của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ như: Tây hồ hoài cổ của Nguyễn Công Trứ, Mưa xuân của Nguyễn Bính, Tiễn xuân của Hữu Thỉnh, Hoa phượng của Bằng Việt, Với thơ của Vũ Quần Phương, Đầu xuân uống trà cùng bạn của Trần Đăng Khoa, Lam xanh của Trần Gia Thái, Đảo Sơn Ca của Lê Cảnh Nhạc.
Trong phần trình diễn sáng tác của mình, các nhà thơ Thủ đô Hà Nội đã thể hiện khá ấn tượng các bài thơ: Mùa xuân ấm của Nguyễn Việt Chiến, Tiên nữ của Nguyễn Linh Khiếu, Anh và em của Nguyễn Thị Mai, Phố của Trần Kim Hoa.
Sau chương trình chính, Ngày thơ Hà Nội sôi động với các cuộc thi Trình diễn thơ của các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thi Trưng bày quán thơ của các Câu lạc bộ thơ Thủ đô.
Ngày thơ Hà Nội năm 2024 được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội.
Theo kế hoạch, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước” sẽ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong hai ngày 23 và 24/2/2024 (tức 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024).
Từ ngày 23/2, công chúng có thể bắt đầu tham quan Nhà ký ức, Đường thơ, tham gia trò chơi Đố thơ; các buổi giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ trẻ; các nhà thơ đã thành danh; hoạt động của một số câu lạc bộ thơ trong các Quán thơ do ban tổ chức sắp xếp. Ngày Rằm tháng Giêng (24/2) sẽ diễn ra những sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm nay được tổ chức nhằm giới thiệu đến với công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.