Khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng Mông trên tuyến biên giới
Ngày 8/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho cán bộ BĐBP đang công tác trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh năm 2023.
Việc học tiếng Mông tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là trong việc vận động quần chúng Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Phát biểu tại lễ khai giảng lớp học, Đại tá Nguyễn Văn Đông, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh đề nghị ban tổ chức lớp học quản lý, duy trì lớp học theo đúng nội quy đã đề ra; điều hành học tập, sinh hoạt theo đúng nội dung, chương trình đã được phê duyệt; tổ chức nơi ăn, nghỉ đảm bảo cho giáo viên, học viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất để công tác dạy và học đạt kết quả cao nhất.
Đối với các đồng chí giáo viên, khắc phục khó khăn, xác định tốt vai trò, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức lớp học, ban cán sự lớp trong quá trình tổ chức, quản lý lớp học thật nghiêm túc; sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình vận dụng phù hợp với nội dung giảng dạy; hướng dẫn, khuyến khích và phát huy kinh nghiệm thực tế của học viên trong quá trình học tập để đạt được kết quả cao nhất.
Đối với các đồng chí học viên phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm, động cơ học tập đúng đắn, xây dựng cho mình kế hoạch và phương pháp học tập khoa học; tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tình huống thực tế trong thời gian học tập; phát huy vai trò, tự giác, tự quản, ý thức trách nhiệm, kết hợp giữa học trên lớp với tự học, tự nghiên cứu tài liệu, tranh thủ trao đổi học tập kinh nghiệm và vận dụng những kiến thức cơ bản được học vào thực tế công tác ở cơ quan, đơn vị.
Lớp học được tổ chức theo hình thức tập trung trong thời gian gần 1 tháng. 40 học viên sẽ được bồi dưỡng và tiếp tục nâng cao kiến thức về tiếng, các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp thực tế tiếng Mông và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông.
Trường Đại học Hồng Đức sẽ phối hợp với BĐBP tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông.