Khai giảng năm học mới
Sáng nay 5-9, 732 trường (Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu và Thủ Khoa Nghĩa tổ chức khai giảng ngày 4-9) với hơn 420.000 học sinh (HS) ở các cấp học từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh chính thức bước vào năm học mới. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường phối hợp đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy, cô giáo và huy động HS ra lớp để sẵn sàng cho năm học mới.
Năm học này, toàn tỉnh có 732 trường (giảm 4 trường do sáp nhập), trong đó 206 trường đạt chuẩn quốc gia, sẽ huy động hơn 429.000 HS các cấp học, tăng hơn 5.000 HS so năm học trước. Trong đó 4.320 cháu đi nhà trẻ, 56.275 cháu học mẫu giáo, 188.245 HS cấp tiểu học, 129.650 HS THCS, 50.665 HS THPT. Riêng hệ giáo dục thường xuyên sẽ huy động 6.900 học viên ra lớp hệ THCS và hệ THPT. Tỷ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là 74,58% vào THPT, ít nhất 10% vào học hệ giáo dục thường xuyên, số còn lại học nghề...
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 3-7-2019 tổ chức “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” năm 2019. Trên cơ sở đó, sở ban hành văn bản hướng dẫn triển khai “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” năm 2019 dựa trên khung kế hoạch thời gian năm học đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, sở chỉ đạo các đơn vị khởi động công tác chuẩn bị cho năm học mới bằng việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất kể từ cuối tháng 7-2019, hoàn thành trước ngày 16-8-2019 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, trước ngày 20-8-2019 đối với cơ sở giáo dục mầm non. Bên cạnh công tác phối hợp với địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giáo dục nói chung và các hoạt động chuẩn bị khai giảng năm học mới nói riêng được tập trung trong tháng 8-2019, cao điểm là thời gian chuẩn bị tựu trường (từ ngày 12 đến 25-8), các đơn vị chủ động tham mưu với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tập trung huy động HS ra lớp và vận động HS bỏ học trở lại trường.
Cùng với tăng cường tuyên truyền, việc rà soát, cập nhật danh sách và địa chỉ cụ thể trẻ chưa đi học phải huy động đến trường, danh sách những HS của trường đã bỏ học, cần huy động đến lớp… được các đơn vị chuẩn bị từ đầu tháng 8-2019. Các trường còn kịp thời thông tin với UBND địa phương, Phòng GD&ĐT tiến độ huy động, kết quả vận động HS ra lớp, đồng thời đề xuất hướng giải quyết vướng mắc. Để hỗ trợ HS, Hội Khuyến học các cấp đã trao quà “Tiếp bước đến trường” cho 21.716 HS, với tổng kinh phí hơn 841 triệu đồng; có 6.255 HS nhận học bổng khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền 438 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 huyện tổ chức họp mặt biểu dương 3.499 HS giỏi, xuất sắc năm học 2018-2019… Tập trung nguồn lực đẩy mạnh gây quỹ “Giúp bạn tới trường”, “Đôi bạn cùng tiến”… Sử dụng đúng mục đích và phát huy tốt các quỹ học bổng “Vì bạn nghèo”, “Nuôi heo đất khuyến học”, “Hũ gạo tình thương”. Phối hợp Công đoàn giáo dục địa phương đẩy mạnh hoạt động “đỡ đầu HS”… Triển khai mua sắm, lắp đặt trang thiết bị nhiều phòng bộ môn (Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, tiếng nước ngoài, Tin học) với tổng trị giá trên 17 tỷ đồng; mua sắm 1.601 bộ bàn ghế HS (khoảng 3,9 tỷ đồng); mua sắm thiết bị tin học cho 22 trường THPT (24 tỷ đồng), mua sắm thiết bị dạy học cho các trường mầm non (6,5 tỷ đồng). Các trường còn mua sắm bổ sung máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học với tổng kinh phí trên 3,4 tỷ đồng (kinh phí trường trên 1,5 tỷ đồng, ngân sách cấp gần 900 triệu đồng, xã hội hóa gần 1 tỷ đồng).
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết, chuẩn bị năm học mới 2019-2020, các đơn vị đã tiến hành tu bổ cơ sở vật chất, trường lớp học nhằm tạo môi trường sư phạm khang trang, xanh, sạch, đẹp. Hoàn thiện cải tạo, sửa chữa 8 trường THPT (Mỹ Hòa Hưng, Hòa Lạc, Lương Văn Cù, Phú Tân, Trần Văn Thành, Vĩnh Trạch, Cần Đăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm) với tổng vốn 2,1 tỷ đồng; sửa chữa lớn 2 trường THPT (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến) với tổng kinh phí 3 tỷ đồng, hoàn thiện cơ sở vật chất Trường THCS Vĩnh Gia, tổng kinh phí đầu tư 3,6 tỷ đồng; trang bị bổ sung cơ sở vật chất 2 trường chuyên từ vốn tài trợ 25 tỷ đồng. Các cơ sở nội trú, bán trú tổ chức quét dọn, vệ sinh nơi ở, bếp ăn cho HS, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, tay-chân-miệng…
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hầu hết đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Để đảm bảo cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã tổng hợp tình hình nhu cầu ở các trường để thuyên chuyển, tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT năm học 2019-2020. Toàn ngành có 617 chỉ tiêu, trong đó 522 vị trí giáo viên và 95 nhân viên, số lượng nhiều nhất là giáo viên mầm non với 298. Sở tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn; tập huấn 5 lớp cho 125 giáo viên tiếng Anh; 7 lớp bồi dưỡng cho 806 cán bộ quản lý, đang xúc tiến thực hiện các thủ tục để tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn và cán bộ quản lý các cấp...
Với tinh thần chủ động, tích cực, ngành GD&ĐT An Giang chuẩn bị khá chu đáo các điều kiện cần thiết để sẵn sàng năm học mới 2019-2020. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cơ bản để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đặc biệt đối với khối lớp 1 năm học 2020-2021.
Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn hình thức và nội dung tổ chức lễ khai giảng năm học 2019-2020 ngắn gọn: thời gian tổ chức lễ tối đa khoảng 40 phút đối với bậc mầm non, 60 đến tối đa 90 phút đối với bậc phổ thông trên tinh thần quan tâm và vì quyền lợi HS. Sở và Phòng GD&ĐT tham mưu lãnh đạo tỉnh, địa phương đến tham dự lễ tại các trường để tăng thêm phần long trọng. Sau khai giảng, các trường tổ chức tọa đàm với lãnh đạo đến dự khai giảng và đại diện cha mẹ HS để trao đổi những vấn đề cần phối hợp thực hiện trong năm học.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/khai-giang-nam-hoc-moi-a253598.html