Khai hội Tản Viên Sơn Thánh và năm du lịch Ba Vì 2025

Huyện Ba Vì vừa tổ chức khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Ất Tỵ và khai trương Năm du lịch Ba Vì 2025 tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì).

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh kết hợp khai trương mùa du lịch, nhằm khởi động chuỗi hoạt động quảng bá, thu hút du khách ngay từ đầu năm. Trong chiến lược phát triển, huyện định hướng tổ chức các sự kiện lễ hội, festival nông sản, trình diễn tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn, thờ Mẫu... kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc trưng. Lễ chính khai hội diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc, nổi bật là màn trình diễn trống hội đầy khí thế, mở đầu cho mùa lễ hội sôi động và một năm du lịch hứa hẹn nhiều khởi sắc của huyện Ba Vì.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương năm du lịch Ba Vì 2025.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương năm du lịch Ba Vì 2025.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay, gồm hai phần: Lễ và hội, với nhiều nội dung hấp dẫn. Phần lễ bắt đầu từ đêm 13 tháng Giêng với nghi thức rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Nghi lễ này có sự tham gia của đôi thiện nam - thiện nữ được lựa chọn kỹ lưỡng cùng lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và đông đảo người dân, du khách. Trong không gian huyền bí của đêm hội, đoàn rước sẽ lên thuyền ra giữa dòng sông Đà để lấy nước thiêng, mang về bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.

Huyện Ba Vì hiện có hơn 100 khu, điểm du lịch tiêu biểu, như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khu di tích K9 Đá Chông, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, các trang trại đồng quê... với đa dạng sản phẩm du lịch từ tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng đến trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, huyện còn có hơn 150 sản phẩm mang thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và OCOP chất lượng cao

Năm 2024, các khu du lịch của huyện đã đón 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 430 tỷ đồng. Nhiều điểm du lịch quy mô nhỏ, nhưng bám sát thị hiếu du khách, tập trung vào trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và văn hóa bản địa...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Nguyễn Đức Anh, nói đến Ba Vì không thể không nhắc đến hình ảnh núi Tản Viên (hay còn gọi là núi Ba Vì) - ngọn "chủ sơn" của nước Việt, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Trong tâm thức dân gian và tín ngưỡng Việt - Mường cổ vùng văn hóa Hùng Vương, núi Tản Viên có mối liên hệ mật thiết với kinh đô Phong Châu xưa. Chính vì vậy, hình tượng Đức Thánh Tản đã được ghi nhận từ rất sớm trong thư tịch cổ và trường tồn trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân suốt hàng nghìn năm qua.

Núi Ba Vì không chỉ được tôn vinh là "Nhất cao là núi Ba Vì", mà còn là "Núi Tổ của nước Nam ta", nơi hội tụ hồn cốt văn hóa với hình tượng Tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn và cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thờ Ngài. Ngài cũng là vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng Việt, được tôn vinh là "Đệ nhất Bách thần".

Tục thờ Đức Thánh Tản đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Hằng năm, vào rằm tháng Giêng - ngày sinh của Ngài theo truyền thuyết, nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức lễ hội linh thiêng để tưởng nhớ công đức. Truyền thống này đã duy trì suốt nhiều thế hệ với những nghi lễ dâng hương, dâng nông sản cầu cho mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khai-hoi-tan-vien-son-thanh-va-nam-du-lich-ba-vi-2025-192250212172549631.htm