Khai mạc Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc
Sáng 2/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Tham dự Hội nghị có nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các vị lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia…
Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc là dịp để các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đã từng tham gia vào công tác hoạch định, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới Việt - Trung của các bộ, ngành và địa phương gặp gỡ, trao đổi để cùng ôn lại quá trình công tác ngày trước, chia sẻ những bài học quý, những kỷ niệm đáng nhớ đã trải qua.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, công tác biên giới lãnh thổ luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo sát sao; đồng thời cũng được các bộ, ngành, cơ quan trung ương ưu tiên quan tâm giải quyết.
Với biên giới trên đất liền với nước bạn Trung Quốc, hai nước đã đàm phán giải quyết biên giới trên đất liền và ký Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc ngày 30/12/1999. Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với nước ta cũng như quan hệ hai nước.
Sau khi ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc ngày 30/12/1999, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Ngoại giao; chỉ đạo thành lập các Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng và Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc 6 tỉnh biên giới Việt - Trung.
Năm 2000, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc để thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đã thành lập Nhóm chuyên gia kỹ thuật và 12 Nhóm liên hợp phân giới cắm mốc trực thuộc để triển khai công tác tại 12 đoạn biên giới tương ứng.
Từ năm 2001 đến năm 2008, các Nhóm liên hợp phân giới cắm mốc đã song phương triển khai công tác trên thực địa, đồng thời, các cuộc đàm phán cấp Chính phủ, cấp Ủy ban liên hợp. Nhóm Chuyên gia liên hợp để trao đổi, thông nhất nguyên tắc, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn cũng song song diễn ra.
Kết thúc phân giới cắm mốc, hai bên đã phân giới trên thực địa toàn tuyến biên giới dài 1.449,566 km, cắm 1.971 cột mốc, bao gồm 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, 1.548 cột mốc chính và 442 cột mốc phụ. Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế, đảm bảo tỉnh khách quan, khoa học, rõ ràng, ổn định và bền vững lâu dài.
Để đi đến kết quả này, hai nước đã phải trải qua hơn 8 năm bền bỉ nỗ lực phấn đấu, tiến hành 9 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ, rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn, 39 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc hoàn thành phân giới cắm mốc ngày 31/12/2008 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định các nguyên tắc chung của luật quốc tế, đó là: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Đến ngày 18/11/2009, tại Bắc Kinh Trung Quốc đại diện Chính phủ hai nước đã ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm: (1) Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (2) Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và (3) Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu để ghi nhận toàn bộ thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên thực địa, xác lập các quy định pháp lý để phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới, quản lý, phát triển cửa khẩu giữa hai nước.
Ngày 14/7/2010, 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực và hai nước chính thức quản lý đường biên giới đất liền theo các văn kiện pháp lý mới. Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất thành lập Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (gồm Phân ban Việt Nam, Phân ban Trung Quốc và 8 Đại diện biên giới).
Hai bên cũng thành lập Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc gồm 10 đại diện bộ, ngành và đại diện 7 tỉnh biên giới phía Bắc, cơ quan thường trực của Ủy ban hợp tác cửa khẩu phía Việt Nam và Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Bộ trưởng cho biết, từ sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc và bắt đầu triển khai quản lý biên giới theo 3 văn kiện pháp lý đến nay, nhìn chung tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống đường biên, mốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo; công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, đầu nối giao thông... được hai bên quan tâm triển khai, giao lưu hữu nghị, hợp tác phát triển khu vực biên giới được chú trọng thúc đẩy.
Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các lực lượng chức năng hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý ổn thỏa các sự kiện này sinh…
Dự kiến, trong buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghe các báo cáo trung tâm và nhiều tham luận… tại Hội nghị, là cơ hội để các bộ ngành và địa phương cùng trao đổi, tổng kết, đánh giá những thành tựu, kết quả và cả những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới đề rút ra bài học kinh nghiệm, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.