Khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia lần 2
Tại Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia lần 2, vai trò của giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo được cho là yếu tố cốt lõi cho mối quan hệ của cả nước.
Sáng 25-12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng tăng gia tối cao vương quốc Campuchia và Trung ương Liên minh Phật giáo Lào tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần 2 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM).
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-12 tại TP.HCM, Đà Lạt.
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam chào mừng sự hiện diện của quý Tôn đức đến với Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam lần thứ 2.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong ngày đầu tiên, sẽ có 6 chủ đề được khám phá gồm Sự kết nối và công bằng môi trường; Đạo đức Phật giáo và lối sống bền vững; Chánh niệm và đạo đức sinh thái: Nuôi dưỡng tương lai bền vững; Tiêu dùng có ý thức và môi trường; Giáo dục và nhận thức về môi trường: Cách tiếp cận của Phật giáo; Trí tuệ bản địa và chủ nghĩa môi trường Phật giáo.
Hội nghị mang thông điệp về tôn giáo, xã hội
Phát biểu tại hội nghị, TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam nhận định ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó từ lâu đời ngày càng được tăng cường và mở rộng.
Qua đó, Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ hai này sẽ là một thông điệp hết sức có ý nghĩa kể cả về tôn giáo và xã hội.
Đồng thời ông cũng ghi nhận và đánh giá rất cao chủ đề mà hội nghị lựa chọn để bàn thảo.
Ông Thắng cũng cho rằng Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam hôm nay là một sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Phật giáo ba nước, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó hữu nghị giữa ba quốc gia, cùng nhau kiến tạo xã hội ấm no, hạnh phúc, đời sống hòa bình, an lạc.
"Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam trân trọng đề nghị Liên minh Phật giáo Lào, Tăng già Phật giáo Vương quốc Campuchia và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục lan tỏa và phát huy giá trị đạo đức Phật giáo tốt đẹp, lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, vì cộng đồng xã hội, quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam, người Lào và người Campuchia hòa nhập vào đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước sở tại, cùng tổ chức Phật giáo và Nhân dân xây dựng ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia cùng phát triển bền vững" – ông Thắng bày tỏ.
Giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo là yếu tố cốt lõi
Tại hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết hội nghị không chỉ đơn thuần là sự gặp gỡ của các nhà lãnh đạo, học giả và hành giả Phật giáo mà còn là thời điểm bước ngoặt cho vùng Mê Kông.
Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cũng đề xuất các ý tưởng làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác và biến lời hứa của hội nghị thành những lợi ích hữu hình cho người dân và sự phát triển liên tục của Phật giáo như Quan hệ đối tác học thuật mở rộng, Bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, Nuôi dưỡng đối thoại liên văn hóa, Giá trị và thách thức được chia sẻ.
Thông qua những đề xuất, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng đó là đánh dấu sự khởi đầu của những cơ hội thông qua nỗ lực hợp tác và bằng cách tận dụng sức mạnh tổng hợp của các cộng đồng Phật giáo có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa về sự thay đổi tích cực vượt xa biên giới quốc gia.
"Chúng ta có thể trở thành ngọn hải đăng hi vọng cho khu vực Mê Kông, thể hiện sức mạnh chuyển hóa của Phật giáo trong thời kỳ đầy thử thách" - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ.
Hòa thượng Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Lào nói, cần tái kết nối bên kia sông Mê Kông bởi mối liên kết giữa Phật giáo Lào và Việt Nam không chỉ là những ghi chú lịch sử mà còn là bằng sống động cho di sản tinh thần chung giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Hòa thượng Mahabounma Simmaphom cũng cho rằng cần tạo dựng mối liên kết mới trong giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân
"Chúng ta hãy tạo dựng những mối liên kết mới, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, trên ba trụ cột quan trọng: giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo…
Chúng ta hãy mở rộng lòng nhân ái vượt ra ngoài biên giới, gửi đi những sứ mệnh nhân đạo chung để hàn gắn vết thương đau khổ và gieo hạt giống phát triển bền vững, không chỉ ở khu vực Mê Kông mà còn trên toàn thế giới" - Hòa thượng Mahabounma Simmaphom bày tỏ.
Hòa thượng Khim Son, Chánh Văn phòng Hội đồng Tăng đoàn tối cao, Vương quốc Campuchia cũng cho rằng để tăng cường sự hợp tác giữa hai bên, tôi đề xuất ba trụ cột quan trọng là giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo.
"Bằng cách kết hợp ba trụ cột giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo, chúng ta có thể tạo ra hệ sinh thái hài hòa, nuôi dưỡng sự liên kết giữa các quốc gia. Giáo dục cung cấp nền tảng hiểu biết và kiến thức để cùng phát triển bền vững.
Thông qua hợp tác về giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo, chúng ta có thể xây dựng những cây cầu hiểu biết và lòng nhân ái trải dài khắp sông Mê Kông và vượt xa hơn.
Thành quả trí tuệ của chúng ta có thể được chia sẻ không chỉ trong biên giới quốc gia mà còn trên toàn thế giới, soi sáng con đường dẫn đến tương lai hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng chung" – Hòa thượng Khim Son cho hay.