Khai mạc Hội nghị vật liệu, máy móc và phương pháp phát triển bền vững MMMS 2024

Hội nghị nhằm thảo luận kết quả nghiên cứu mới, đột phá, thiết thực và có giá trị ứng dụng đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị.

Nơi hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu

Ngày 20/9, tại TP Đà Nẵng, Hội nghiên cứu biên tập công trình Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VASE) - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về vật liệu, máy móc và phương pháp phát triển bền vững – MMMS 2024.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, GS.TSKH Bành Tiến Long – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch VASE cùng với gần 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, giới công nghiệp, học thuật và nghiên cứu viên trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ trong nước và quốc tế.

Theo ban tổ chức, Hội nghị quốc tế MMMS được tổ chức định kì 2 năm/lần, bắt đầu từ năm 2018, là nơi hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kĩ thuật cơ khí, chế tạo máy, thiết bị thông minh, khoa học và công nghệ vật liệu, phương pháp phát triển bền vững nhằm chia sẻ những kiến thức, kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm mới nhất về các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững.

Hội nghị cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, kỹ sư, nghiên cứu sinh và sinh viên giao lưu, trao đổi học thuật, kết nối, mở rộng hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực vật liệu mới, cơ khí chế tạo máy, cơ điện tử, kĩ thuật ô tô, năng lượng mới, tái tạo, công nghệ giáo dục… cùng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển cộng đồng nghiên cứu và tạo ra những kết quả nghiên cứu mới, đột phá, thiết thực và có giá trị ứng dụng đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế toàn cầu.

 Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận những nỗ lực của Hội nghiên cứu biên tập công trình Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 luôn có những thách thức và cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển bền vững.

“Chính vì vậy các chủ đề được thảo luận tại hội nghị này, từ vật liệu tiên tiến đến máy móc sáng tạo và các phương pháp phát triển, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, MMMS 2024 là nơi cung cấp một không gian năng động và hợp tác cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia, là nơi gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và giới thiệu những phát triển mới nhất trong các lĩnh vực của họ. Đồng thời hội nghị nhằm thúc đẩy đổi mới và truyền cảm hứng cho các chiến lược mới sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững lâu dài ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng một số dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao và hệ thống các trung tâm về đào tạo và khoa học trong công nghệ 4.0, trong đó vật liệu và máy móc là một trong những lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.

“Chúng tôi cam kết tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và khoa học phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Với sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của chúng ta, tôi tin rằng hội nghị sẽ mang lại những kết quả có ý nghĩa và thiết lập những hợp tác đầy hứa hẹn trong vật liệu, máy móc, và phương pháp cho phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.

Đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, MMMS 2024 là diễn đàn khoa học uy tín, nơi những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu có đam mê trong lĩnh vực vật liệu, cơ khí, thiết bị thông minh, năng lượng mới tái tạo, kinh tế tuần hoàn… và công nghệ giáo dục từ khắp nơi trên thế giới cùng gặp gỡ, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho hay, hội nghị cũng thảo luận về tác động của những thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển bền vững của nhân loại. Đặc biệt là sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và khoa học kỹ thuật, giáo dục.

 Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

“Hội nghị lần này đã thu hút rất nhiều các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, các sinh viên đã tham gia hội nghị. Điều đó cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học và chính sách thực tiễn, giúp đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp và đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững toàn cầu”, ông Minh thông tin.

Ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Đà Nẵng với vị trí chiến lược và kinh tế năng động coi trọng phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu, lãnh đạo Đà Nẵng đã và đang xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, xanh và bền vững, nơi khoa học công nghệ và sự sáng tạo là nền tảng cho sự thịnh vượng. Tôi tin rằng với sự hợp tác của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu và sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và chính sách phát triển, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng giải pháp đột phá bền vững cho tương lai”.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại hội nghị, VASE đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với nhóm 6 trường Đại học gồm Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Phenikaa; Đại học Quốc tế Sài Gòn; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm cùng nhau phát triển, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác về đào tạo; nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng cho viên chức, giảng viên, sinh viên theo hướng thiết thực và hiệu quả. Biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ của VASE với nhóm 6 trường Đại học sẽ có hiệu lực từ ngày ký và có giá trị trong 5 năm.

Việc hợp tác giữa VASE với 6 trường đại học trên sẽ cùng nhau thực hiện tổ chức chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo… để nâng cao nhận thức của viên chức, giảng viên và sinh viên. Đồng thời, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chung cho VASE và 6 trường đại học trong các lĩnh vực vật liệu và hệ thống thông minh, vật liệu tái chế/vật liệu sinh học/vật liệu thân thiện với môi trường; công nghệ gia công và chế biến giảm thiểu tác động đến môi trường; công nghệ gia công và chế biến giảm thiểu tác động đến môi trường; công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; kỹ thuật y sinh và công nghệ sức khỏe; Net-zero; Công nghệ giáo dục; các ngành công nghiệp cacbon thấp…

 Ký kết biên bản ghi nhớ với nhóm trường Đại học.

Ký kết biên bản ghi nhớ với nhóm trường Đại học.

Bên cạnh đó, VASE và 6 trường đại học cũng sẽ tích cực chia sẻ phối hợp hỗ trợ tổ chức hội nghị - hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, hỗ trợ hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học; xây dựng các nhóm nghiên cứu chung giữa VASE và nhóm 6 trường nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên. Ngoài ra, VASE cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ công tác nghiên cứu, công bố quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ cho nhóm 6 trường. Đồng thời, cùng hợp tác trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng vì lợi ích của xã hội và lợi ích của mỗi trường theo điều kiện cụ thể…

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khai-mac-hoi-nghi-vat-lieu-may-moc-va-phuong-phap-phat-trien-ben-vung-mmms-2024-post701643.html