Khai mạc kỳ họp bất thường, Quốc hội dành hơn nửa ngày họp riêng

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp bất thường lần 2 khóa XV, Quốc hội có hơn nửa ngày họp riêng, sau đó lần lượt xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng.

 Phiên khai mạc kỳ họp sáng 5/1. Ảnh: Phạm Thắng.

Phiên khai mạc kỳ họp sáng 5/1. Ảnh: Phạm Thắng.

Sáng 5/1, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 4 ngày, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Hai ngày trước, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã trả lời báo chí về công tác nhân sự được xem xét tại kỳ họp bất thường, trong đó có việc Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm các phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam; đồng thời, phê chuẩn bổ nhiệm hai nhân sự thay thế.

“Dự kiến có 3 nội dung về công tác nhân sự, gồm việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới thay thế những người vừa miễn nhiệm”, bà Thanh nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết nội dung nhân sự được tiến hành ngay ngày khai mạc kỳ họp này, từ cuối giờ sáng ngày 5/1 và kết thúc chiều cùng ngày. Khoảng thời gian này trùng với lịch họp riêng của Quốc hội, theo chương trình đã được thông qua tại phiên trù bị (cuối giờ sáng và chiều 5/1).

Theo chương trình nghị sự, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, đại biểu Quốc hội sẽ nghe nhiều tờ trình, báo cáo.

Cụ thể, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thể hiện báo cáo thẩm tra về nội dung này là ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sau đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và Tờ trình đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Thẩm tra nội dung này là Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội còn nghe Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Trong những ngày làm việc còn lại, Quốc hội bố trí một số phiên thảo luận ở tổ và hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Luật và các nghị quyết này sẽ được thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường lần 2 (9/1).

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khai-mac-ky-hop-bat-thuong-quoc-hoi-danh-hon-nua-ngay-hop-rieng-post1390987.html