Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm

Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu để xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng, nhất là ở khu vực ĐBSCL

Trong báo cáo gửi Quốc hội (QH) để phục vụ kỳ họp thứ 5, QH khóa XV khai mạc vào sáng nay, 22-5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu rõ nhiều giải pháp đã được triển khai để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Giao địa phương 16 dự án

Bộ GTVT cho hay nhằm bảo đảm tiến độ triển khai các dự án giao thông theo yêu cầu của QH, qua đó giải ngân được vốn đầu tư công, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết quy định cụ thể tiến độ phải hoàn thành đối với từng hạng mục công việc.

Số liệu của Bộ GTVT cho thấy trong năm 2022 đã hoàn thành thủ tục để khởi công 18 dự án, đưa vào khai thác 22 dự án. Năm 2023, Bộ GTVT dự kiến khởi công 28 dự án và hoàn thành 29 dự án; tính đến nay đã khởi công 6/28 dự án đáp ứng kế hoạch. Theo Bộ GTVT, số lượng dự án được phê duyệt, triển khai và hoàn thành đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt về bộ mặt hạ tầng giao thông trong thời gian qua.

Đáng chú ý, Chính phủ quyết định phân cấp cho địa phương thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022 của QH.

Trong đó, bao gồm dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành trong quý III/2023; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến đưa vào khai thác trong quý I/2024 và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trong tháng 5-2024. Ngoài ra, dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023...

Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những điểm sáng của ngành GTVT. Năm 2022, toàn ngành giải ngân đạt 52.999 tỉ đồng trong tổng vốn 55.051 tỉ đồng do Thủ tướng giao. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng giao là 94.161,562 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 4-2023 đã giao vốn đạt 94.135,231 tỉ đồng, bằng 99,97%; giải ngân đạt khoảng 22.800 tỉ đồng, bằng 24,3% kế hoạch.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22-5 đến 23-6 dự kiến sẽ thông qua 8 luật và 3 nghị quyết quan trọngĐồ họa: ANH THANH

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22-5 đến 23-6 dự kiến sẽ thông qua 8 luật và 3 nghị quyết quan trọngĐồ họa: ANH THANH

Gỡ vướng về vật liệu xây dựng

Theo Bộ GTVT, để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng, cơ quan này đã tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Trong đó, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù 6 đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sau khi triển khai các giải pháp, áp dụng các cơ chế đặc thù, đến nay đã giải quyết cơ bản nhu cầu vật liệu. Với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến này giai đoạn 2021-2025, ngay từ bước lập dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá trữ lượng, công suất, chất lượng cũng như cự ly vận chuyển của các mỏ vật liệu bảo đảm yêu cầu.

Với riêng ĐBSCL, trong giai đoạn đến năm 2025, các dự án đường cao tốc sẽ đồng loạt được khởi công ở khu vực này, cần tới 54 triệu m3 cát, tập trung trong 2 năm 2023 và 2024. Đây là thách thức với ngành GTVT và các địa phương có dự án đi qua.

Hai dự án thành phần cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau cần tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,07 triệu m3 nhưng đang gặp khó khăn về nguồn cung. Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất việc cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án song đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3 cho cả 2 dự án, khối lượng còn thiếu là rất lớn.

"Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong khai thác nguồn vật liệu cung cấp cho dự án" - báo cáo nêu rõ.

Sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội

Tại báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, Bộ Xây dựng cho biết để bảo đảm mục tiêu của đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH.

Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH. Đồng thời, có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích phát triển.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần ưu tiên tín dụng để cho vay đối với dự án NƠXH, nhà ở công nhân; huy động nguồn lực của xã hội và xác định đầu tư phát triển NƠXH là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương. Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng bảo đảm đến năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH trên phạm vi cả nước.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp):

Cần quyết sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế

Trong chương trình kỳ họp, nội dung về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cử tri và người dân rất quan tâm. Đây là lần thứ hai QH cho ý kiến về dự án luật này với những nội dung lớn về tài chính đất đai, xác định giá đất...

Dự thảo luật cần cần làm rõ những căn cứ xác định giá đất sát với thị trường nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và các bên liên quan. Bên cạnh đó, QH cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của QH).

Với khối lượng công việc lớn, các cơ quan của QH đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho kỳ họp này. Thực tiễn đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện hàng loạt khó khăn và rất mong chờ QH kịp thời đưa ra những quyết sách, giải pháp hiệu quả. Kết quả của kỳ họp này sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu NGUYỄN CHU HỒI (đoàn Hải Phòng):

Cơ chế, chính sách cho TP HCM phải đột phá, khả thi

Trong 3 dự thảo nghị quyết sẽ được QH xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM nhận được nhiều sự quan tâm.

TP HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM khơi thông nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển để lan tỏa cho vùng và cả nước. Các cơ chế, chính sách cần thực sự đột phá, có tính khả thi cao để mang lại kết quả tích cực.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khai-mac-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-day-manh-cac-du-an-ha-tang-trong-diem-20230521210822865.htm