Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022

20h tối ngày 9/4, tại Sân lễ hội Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư), UBND tỉnh đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022. Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Lư được tường thuật trực tiếp trên VTV2- Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên kênh Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Dự lễ khai mạc, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Lâm Thị Phương Thanh, UVT.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, UVT.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự lễ khai mạc có đại biểu các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Bạc Liêu, Nam Định, Thanh Hóa; các tướng lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân hiện đang công tác là con em quê hương Ninh Bình; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao một số tỉnh, thành.

Các đại biểu dự lễ khai mạc.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại biểu chức sắc các tôn giáo, các doanh nghiệp, doanh nhân, đại biểu Ban liên lạc hội đồng hương Ninh Bình tại các tỉnh, cùng toàn thể nhân dân.

Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc lễ hội.

Phát biểu khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2022, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư nhấn mạnh: Ninh Bình vùng đất linh thiêng, đầy huyền tích tiền sử, xưa kia là Kinh đô vang bóng trời Nam, mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông nơi đây đều gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của các bậc tiên đế, tiền nhân.

Cách đây 1.054 năm sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Thìn 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình, thành lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành đã cùng quân và dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Cũng tại mảnh đất linh thiêng này, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Vua Lý Thái Tổ đã tuyên chiếu dời đô về Đại La, tạo vận hội mới cho sự phát triển của đất nước với sức vươn mình dựa thế rồng bay.

Kinh đô Hoa Lư trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, là mạch nguồn hình thành Kinh đô Thăng Long cùng sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Lý - Trần trong lịch sử nghệ thuật văn hóa Việt Nam.

Đã hơn 1.000 năm trôi qua, những âm hưởng giá trị văn hóa lịch sử của Kinh đô Hoa Lư vàng son một thuở vẫn còn vang vọng để hòa cùng nhịp trống tưng bừng, hối hả của lễ hội hôm nay.

Với tấm lòng tri ân sâu nặng của biết bao người dân Cố đô thay nhau gìn giữ, dựng xây, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc với hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, đền đài, miếu mạo, công trình kiến trúc cùng những lễ hội, những áng thơ văn khắc trên núi đá, những làn điệu hát xẩm, hát chèo.

Lễ hội Hoa Lư được khai mạc hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê- Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn lao, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Trải qua thời gian, Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô Hoa Lư và nhân dân cả nước nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng tri ân sâu sắc, thành kính với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam và làm cho giá trị Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.

Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong Danh thắng Tràng An, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, một lần nữa khẳng định Hoa Lư chưa bao giờ bị lãng quên trong lòng người dân đất Việt, như tiếng nói cất lên từ lịch sử xa xăm để tôn vinh cùng đất Rồng vàng. Nửa thế kỷ ẩn mình cho Rồng vàng bay ngàn năm trên đất Thăng Long.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của lịch sử cha ông, dưới ngọn cờ của Đảng, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển toàn diện, đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt về văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, phát huy, phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội, quyết tâm đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch trong nước và khu vực, để Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử vùng đất kinh kỳ.

Về với Hoa Lư hôm nay là về với cội nguồn bằng thi tứ và nước non, bằng tâm thức hướng về ngày đầu dựng nước và giữ nước của cha ông. Với tấm lòng thành kính và biết ơn với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tạo tiền đề cho những bước phát triển rực rỡ của đất nước hôm nay. Cũng chính vì lẽ đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của Cố đô ngàn năm và tạo mọi điều kiện để Lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, thực sự trở thành sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa, là nơi chốn đi về của đông đảo nhân dân cùng bạn bè trong nước và quốc tế.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gióng trống khai hội Hoa Lư năm 2022.

Sau diễn văn khai mạc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã gióng trống khai hội Hoa Lư năm 2022.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại từ lòng đất", với những hoạt cảnh để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Đinh, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý; Các màn hòa tấu trống hùng tráng Đại Cồ Việt, cờ lau tập trận, màn đăng quang Đinh Tiên Hoàng Đế, giới thiệu về kết quả khai quật khảo cổ tại Cánh đồng phía Nam Đền thờ Vua Lê ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; kết quả khai quật đóng góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên…

Hoạt cảnh "Cờ lau tập trận" trong chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Biểu diễn màn trống hội trong chương trình nghệ thuật.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại từ lòng đất".

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 9-11/4/2022), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Hồng Vân- Minh Quang- Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khai-mac-le-hoi-hoa-lu-nam-2022/d20220409222855307.htm