Khai mạc phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Sáng 21/2, phiên cấp cao của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề 'Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới' đã diễn ra, với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
VBF 2020: Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới VBF 2019: Kiến nghị cho phép đối tác nước ngoài được nhận thế chấp bằng đất VBF giữa kỳ 2019: Nhiều doanh nghiệp kiến nghị về giờ làm thêm
Tiếp tục cơ chế đối thoại chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Là sự kiện do Hội đồng Quản trị Liên minh VBF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức, diễn đàn là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát…
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam. "Để đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022 - 2023.
Do vậy, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, hội nghị sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng
Điểm lại về tình hình khó khăn, lo lắng của doanh nghiệp của nửa cuối năm 2021, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhắc lại trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các cuộc gặp làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đi khảo sát thực tế, đi kiểm tra đột xuất tại tâm dịch, triển khai các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam trong các tháng tâm điểm 8, 9, 10.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chuyển từ chiến lược Zero Covid sang chung sống lâu dài với Covid-19. Nghị quyết 128 cùng các giải pháp quyết liệt, kịp thời, đúng đắn của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp kịp thời thoát khỏi những khó khăn, bế tắc trong đại dịch Covid-19.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ lòng biết ơn tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là tới Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt giúp cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ. “Tôi cũng cám ơn cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã rất cố gắng, rất kiên cường vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, góp sức cùng cả nước ứng phó thành công với đại dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch VCCI nói.
Bày tỏ tâm đắc với chủ đề của diễn đàn VBF năm nay là “Phục hồi và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. “Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế” - Chủ tịch VCCI nói.
Sau phần khai mạc, tại diễn đàn hôm nay, các đại biểu sẽ cùng trao đổi về các giải pháp cho việc giải quyết các vấn đề trung và dài hạn, bao gồm: nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng công nghệ số, kinh tế số và chính phủ số; cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 vừa qua./.