Khai mạc Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Sáng 16/7/2025, Đảng bộ Bộ Công Thương long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Đại hội.

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong 2 ngày 15 và 16/7/2025, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Công Thương long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Sáng 16/7/2025 đã diễn ra Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Đại hội.

Về phía Bộ Công Thương có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương; các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, các đồng chí lãnh đạo Bộ; cùng 250 đại biểu đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức Đảng trong toàn Đảng Bộ Công Thương.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Đại hội.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Đại hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” bước vào giai đoạn quyết định, chính quyền cơ sở hai cấp chính thức hoạt động, cán bộ và Nhân dân háo hức chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên một tầm cao mới; cùng với cả nước, ngành Công Thương đang thực hiện những nhiệm vụ mang tính lịch sử, với niềm tin và khí thế mạnh mẽ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.

Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025; rút ra các bài học kinh nghiệm và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội thể hiện quyết tâm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, lập thành tích kỷ niệm Đảng ta tròn 100 năm thành lập (1930 - 2030) và hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2045).

Khai mạc Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Khai mạc Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện đến kinh tế toàn cầu. Trong nước, đất nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh, đồng thời phải tập trung khắc phục những tồn đọng kéo dài.

Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều lĩnh vực đạt kết quả quan trọng và toàn diện.

Ngành Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Các lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước từng bước phục hồi, tăng trưởng rõ nét, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hằng năm theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm và Kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Trong giai đoạn này, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, Chiến lược phát triển ngành năng lượng, Chiến lược phát triển thương mại trong nước và chiến lược phát triển các ngành, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Bộ để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Giai đoạn 2020 - 2025, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu, nhưng với sự lãnh đạo quyết liệt của hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế từng bước phục hồi, các chỉ tiêu của ngành Công Thương cơ bản được giữ vững, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Công nghiệp luôn chiếm trên 30% trong cơ cấu GDP; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của ngành (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80%), từng bước khẳng định là một trong những trung tâm sản xuất của châu Á, được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đưa vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp thu nhập trung bình.

Ngành điện cơ bản đáp ứng mục tiêu bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội; chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đạt kết quả tích cực với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của lưới điện quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới vào năm 2024 về mức độ phát triển hạ tầng ngành điện. Ngành dầu khí phát triển ngày càng đồng bộ từ hạ nguồn đến thượng nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; sản lượng khí (bao gồm khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu) đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác.

Xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP khoảng 90% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới (2023); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 800 tỷ USD vào năm 2025, thặng dư thương mại được duy trì liên tục ở mức cao (đạt mức kỷ lục là 24,66 tỷ USD vào năm 2024), tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.

Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất, đặc biệt là khi có các biến động lớn từ thị trường bên ngoài, thuộc nhóm các quốc gia có thị trường nội địa lớn và tăng trưởng nhanh, được củng cố bởi thị trường hơn 100 triệu dân và sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (ước tăng khoảng 8,1%/năm). Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam; xếp hạng top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ 2025 - 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành Công Thương giai đoạn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2025 - 2030. Quyết tâm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại như sau:

(i) Tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28% vào năm 2030; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 12-12,5%/năm;

(ii) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5-14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10-12%/năm;

(iii) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm;

(iv) Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm. Đến năm 2030, điện thương phẩm đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh. Tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 30% vào năm 2030; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1-1,5%/năm; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội bình thường.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ tới:

(1) Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị.

(2) Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng - nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành.

(3) Nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

(4) Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực; ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

(5) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh.

(6) Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng.

(7) Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.

Nhóm PV

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khai-mac-phien-chinh-thuc-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-bo-cong-thuong-lan-thu-i--nhiem-ky-2025-2030-142820.htm