Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025

Rừng Việt Nam sẽ trở thành 'bể chứa carbon' tự nhiên nhờ mô hình quản lý rừng bền vững được nhân rộng từ dự án hợp tác Việt - Đức. Đây là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chiều 16/7, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN&MT) làm việc với Sở NN&MT Gia Lai, các doanh nghiệp trồng rừng về dự án "Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam" (SFM) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ thông qua Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ).

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Theo đó, dự án được triển khai từ 2022-2025 tại ba tỉnh Quảng Trị, Bình Định cũ nay là tỉnh Gia Lai và Phú Yên cũ nay là tỉnh Đắk Lắk, đang tạo ra thay đổi lớn trong cách thức quản lý rừng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Danh Đàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SFM Trung ương, chia sẻ: "Quản lý rừng bền vững với chu kỳ trồng rừng dài ra sẽ khiến rừng trở thành 'bể chứa' carbon tự nhiên, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tổng lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn - đại diện đơn vị chủ rừng tham gia dự án chia sẻ

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn - đại diện đơn vị chủ rừng tham gia dự án chia sẻ

Theo đó, dự án giúp các chủ rừng chuyển đổi từ mô hình trồng rừng chu kỳ ngắn truyền thống sang chu kỳ dài hơn, tăng tính đa dạng loài và tập trung sản xuất gỗ xẻ chất lượng cao. Trong giai đoạn từ 2022 – 2025, dự án đã bước đầu đưa tới những thay đổi trong phát triển và quản lý rừng.

Các chủ rừng tham gia dự án rừng đã thiết lập 48 ha rừng làm điểm trình diễn quản lý bền vững và mở rộng áp dụng lên 1.685 ha rừng trồng. Mô hình rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn cho chủ rừng mà còn tạo ra lợi ích tích cực cho đa dạng sinh học, khí hậu và cộng đồng.

Bà Carina van Weelden, Quản lý thực hiện dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phát biểu tại buổi làm việc

Bà Carina van Weelden, Quản lý thực hiện dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai đánh giá, dù mới trong quá trình triển khai, song SFM đã đưa tới những thay đổi tích cực trong quản lý và phát triển rừng. Tỉnh Gia Lai với thế mạnh về lâm nghiệp, đồng thời là "thủ phủ" hàng gỗ xuất khẩu, phát triển rừng gỗ lớn là một chiến lược phù hợp, thúc đẩy ngành lâm nghiệp của tỉnh ngày càng phát đi lên, đưa tới những thay đổi tích cực. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa chuyển đổi xanh, phát triển rừng gắn với tín chỉ carbon là mở ra cơ hội lớn với các chủ rừng, người dân tham gia vào chuỗi liên kết.

Theo SFM, bên cạnh những kết quả mang lại từ việc quản lý rừng bền vững, dự án còn chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới trong quản lý rừng bền vững. Các chủ rừng và đối tác trong chuỗi cung ứng được trang bị kiến thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới và các biện pháp mang lại lợi ích cho cả nam giới và nữ giới.

Về kế hoạch nhân rộng mô hình ra toàn quốc trong thời gian tới, ông Đàn cho hay, các điểm trình diễn sẽ được sử dụng như một lớp học, nơi học viên thực hành áp dụng các kỹ thuật lâm sinh để tiến tới nhân rộng mô hình trong toàn quốc.

Dự án rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn - một trong các đơn vị tham gia vào dự án SFM tại tỉnh Bình Định cũ nay là tỉnh Gia Lai

Dự án rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn - một trong các đơn vị tham gia vào dự án SFM tại tỉnh Bình Định cũ nay là tỉnh Gia Lai

Nhằm tăng cường công tác truyền thông quảng bá dự án SFM, từ 16-18/7, tại tỉnh Gia Lai - Ban quản lý dự án tổ chức chuyến thăm quan thực tế các mô hình của các chủ rừng và trao đổi với các đối tượng hưởng lợi từ dự án.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-huong-toi-muc-tieu-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2025-204250716205822862.htm