Khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 9.9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 37.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và tiến hành giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 12 dự án luật, trong đó có 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua và 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu; 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, gồm Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 là đề án lớn nhằm tích hợp tất cả những chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành với đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện theo nghị quyết, chủ trương của Quốc hội.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018; sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; về Nghị định của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan; các báo cáo thuộc lĩnh vực tư pháp, hoạt động kiểm toán và các báo cáo quan trọng khác; việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Chuyên đề giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tại phiên họp này là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.”

Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Lào Cai.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36, các cơ quan đã tích cực hơn trong việc chuẩn bị nội dung tại Phiên họp thứ 37. Tuy nhiên, vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đúng thời hạn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan lưu ý rút kinh nghiệm.

Nhấn mạnh khối lượng công việc cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp thứ 37 rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng, nhất là những nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, thời gian phiên họp rất dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung, điều hành linh động và khoa học để không kéo dài sang tuần làm việc thứ 3; các cơ quan hữu quan chủ động sắp xếp lịch làm việc để dự họp đầy đủ, đúng thành phần.

Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; đánh giá cao các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra dự án luật. Các ý kiến cho rằng, đây là dự án luật thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân, vì hậu quả của thiên tai ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thật kỹ dự án luật và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật Dân quân tự vệ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo.

Các quy định liên quan tới chính sách đưa ra trong dự luật cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn, ví dụ như quy định về chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai; kế hoạch trung hạn là kế hoạch gì; cần thiết thành lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam, nhưng phải nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời có cơ chế điều hòa từ những nơi có nguồn thu lớn nhưng ít bị thiên tai về Quỹ Trung ương để phân bổ tới các địa phương xảy ra nhiều thiên tai nhưng có ít nguồn thu cho hợp lý. Chủ tịch Quốc hội lưu ý tới việc phải loại bỏ những quy định làm phát sinh thêm giấy phép mới trong dự luật.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị dự luật cần có quy định mang tính nguyên tắc về việc phải có đầu mối huy động nguồn lực, tránh phân tán, lãng phí nguồn lực, tránh lạm thu hoặc thu tùy tiện; rà soát lại các loại hình thiên tai cho hợp lý; nghiên cứu về tính khả thi, hiệu quả của các công trình mới bổ sung trong dự luật như công trình chống xâm nhập mặn, công trình chống sét…

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảm ơn ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời điểm lại những tình huống thời tiết cực đoan đã xảy ra và thực tiễn ứng phó với thiên tai thời gian qua, để khẳng định lại sự cần thiết sửa đổi Luật Đê Điều và Luật Phòng chống thiên tai.

Giải thích về đề xuất xây dựng Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam là 1 trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Vì thế, quốc tế rất muốn ủng hộ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do chưa có quỹ ở Trung ương nên phải tiếp nhận theo kiểu vốn viện trợ ODA với thủ tục giải ngân rất chậm.

Hiện nay, 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập quỹ và đã thu hút được hàng nghìn tỷ đồng. Việc thành lập quỹ ở Trung ương là để tiếp nhận các nguồn ủng hộ từ quốc tế để phân bổ trực tiếp cho các tỉnh; bộ máy kiêm nhiệm nên không làm phát sinh thêm biên chế.

Về 3 công trình đề nghị bổ sung trong dự luật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết công trình chống sét được bổ sung để xây dựng ở những vùng đặc thù có rất nhiều sét, bảo đảm an toàn cho cả vùng dân cư, còn cột thu lôi chỉ là biện pháp cụ thể của từng công trình xây dựng. Công trình chống lũ quét đã được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới. Đó là việc xây dựng các công trình như hình răng lược ở những vùng có địa chất tốt để chặn đá tảng lăn, gây thiệt hại lớn khi có lũ. Công trình chống xâm nhập mặn cũng rất cần thiết trong điều kiện tình hình thực tế như hiện nay…

Kết luận nội dung làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến bước đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 khi đủ điều kiện.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/khai-mac-phien-hop-thu-37-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-115790