Khai mạc triển lãm ảnh 'Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975'

Sáng 24/4, tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, triển lãm chuyên đề 'Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975' được khai mạc, mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc, chân thật về một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức trong tháng 4 lịch sử này.

Đông đảo công chúng và du khách lắng nghe thuyết trình về chuyên đề.

Đông đảo công chúng và du khách lắng nghe thuyết trình về chuyên đề.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết, triển lãm trưng bày hơn 140 tài liệu, hiện vật quý giá chia thành 3 phần chính, tái hiện hành trình đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao; trong đó nhấn mạnh dấu ấn lịch sử của Hiệp định Paris năm 1973 - một mốc son trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Các bà, các mẹ cùng lưu giữ lại khoảnh khắc tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Các bà, các mẹ cùng lưu giữ lại khoảnh khắc tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn trưng bày mô hình xe tăng 390 thu nhỏ và những vật chứng như máy bộ đàm quân đội, quân phục bị vứt bỏ khi tháo chạy trên đường phố của quân địch.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng mô hình xe tăng 390.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng mô hình xe tăng 390.

Dịp này, bà Ngô Thị Phương Thiện (con gái ruột của cố Luật sư Ngô Bá Thành), Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình TP Hồ Chí Minh, đã tặng Bảo tàng hiện vật quý mà gia đình đã lưu trữ hơn 50 năm qua. Đó chính là bản in roneo lời kêu gọi của các tổ chức trên thế giới ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

“Tôi tin rằng những tài liệu này sẽ giúp công chúng, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn giá trị của hòa bình - một điều không phải tự nhiên có, mà phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ cha anh đi trước”, bà Ngô Thị Phương Thiện chia sẻ.

Bà Ngô Thị Phương Thiện, Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình TP Hồ Chí Minh xúc động xem lại những bức ảnh và kỷ vật.

Bà Ngô Thị Phương Thiện, Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình TP Hồ Chí Minh xúc động xem lại những bức ảnh và kỷ vật.

Những hiện vật được gia đình bà Ngô Thị Phương Thiện trao lại cho Bảo tàng trưng bày.

Những hiện vật được gia đình bà Ngô Thị Phương Thiện trao lại cho Bảo tàng trưng bày.

Hòa trong dòng người đang chăm chú chiêm ngưỡng các bức ảnh, kỷ vật tại Bảo tàng có gia đình chị Lê Thanh. Hai vợ chồng cùng hai con trai 3 tuổi và 4 tuổi bắt xe đò từ Châu Đốc (An Giang) lên TP Hồ Chí Minh từ chiều 23/4. Sau khi đưa các con ra Bến Bạch Đằng ngắm trận địa pháo, dạo phố đi bộ xem trưng bày các mô hình, hôm nay cả gia đình đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trước khi về quê lại.

“Các con rất yêu chú bộ đội, muốn đi xem các chú diễu hành, xem xe tăng, máy bay, trận địa pháo, đòi bố mẹ đưa đi suốt nên nay tôi cho các cháu nghỉ học. Được đến Thành phố đúng dịp này, cả nhà tôi vui lắm, chỗ nào cũng thấy đẹp, thấy ý nghĩa”, chị Lê Thanh cho biết.

Hai bé từ tận An Giang được ba mẹ đưa đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tham quan, chụp ảnh.

Hai bé từ tận An Giang được ba mẹ đưa đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tham quan, chụp ảnh.

Triển lãm mở cửa từ 24/4 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh).

Tin, ảnh: Thu Hương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/khai-mac-trien-lam-anh-tu-hiep-dinh-paris-den-dai-thang-mua-xuan-1975-20250424142414108.htm