Khai mạc triển lãm 'Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài'
Trong khuôn khổ Chương trình 'Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh', ngày 24/8, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, đường Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra triển lãm 'Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài'.
Tham dự triển lãm có các đồng chí: Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; Trần Thế Cương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội; Vũ Đăng Định, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận 3, Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn.
Phát biểu tại triển lãm, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết: Triển lãm sẽ giới thiệu đến các thầy cô giáo, các em học sinh và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng cho tinh thần và trí tuệ Việt, với các hoạt động giáo dục di sản cùng những trải nghiệm thú vị.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cách đây gần 1.000 năm, nơi đây là trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, được lập ra với mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước. Những người sáng lập, xây dựng, phát triển, gìn giữ ngôi trường này là các vị hoàng đế, phẩm quan, học giả, mà điểm chung của họ đều là người đức độ, thông tuệ, có tầm nhìn về giáo dục - phát triển giáo dục để xây dựng đất nước tự chủ, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mỗi người dân.
“Trải qua những thăng - trầm của lịch sử, ngôi đền trí thức Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn được người dân Việt Nam gìn giữ với tinh thần thành kính trước các bậc tiền nhân. Ngày nay, ngôi trường là một di sản quý giá, tiếp tục là nguồn mạch chảy, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho lớp lớp thế hệ trẻ về việc học tập suốt đời và tinh thần phụng sự xã hội, để mạch nguồn văn hóa Việt Nam chảy mãi, hòa chung vào dòng chảy của nhân loại”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ thêm.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, các em học sinh rất thích thú khi hòa mình vào không gian triển lãm, được trải nghiệm viết thư pháp, lăn mực tàu, nghe giới thiệu về lịch sử hình thành Văn Miếu Quốc Tử Giám, trải nghiệm các trò chơi trí tuệ…
Cầm trên tay bản giấy mộc in chữ tên mình, em Lê Khoa, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn cho biết, bản thân em rất vui khi được hòa mình vào triển lãm, hiểu rõ hơn quá trình viết thư pháp, về tiểu sử các bậc danh nhân Đất Việt, qua đó tự hào về lịch sử nước nhà.
Em Võ Văn Hùng, Trường tTểu học Nguyễn Thái Sơn vui vẻ nói: “Tại triển lãm, em rất thích thú khi được xem kính thực tế ảo, có cảm giác như đang được trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vậy. Đây thực sự là trải nghiệm thú vị, đầy ý nghĩa và đáng nhớ".